Căn nhà nhỏ của gia đình chị Lê Thị Thêm (28 tuổi) nằm trên tuyến đường làng ở thôn Cộc, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Tổ ấm đơn sơ, nơi trú ngụ của cả gia đình bấy lâu giờ chỉ là nơi ở tạm nếu không có tiền trả nợ.

Cách đây không lâu, vợ chồng chị Thêm bất đắc dĩ phải cầm cố căn nhà này để lấy tiền chữa bệnh cho con gái út Lương Thị Hoài An (17 tháng tuổi) bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

Bé gái gần 2 tuổi ngàn cân treo sợi tóc, bố mẹ nghèo bất lực - 1

Căn nhà nhỏ của gia đình chị Thêm ở thôn Cộc, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

"Chưa đầy một năm, vợ chồng tôi phải chi phí gần 500 triệu đồng để chữa bệnh cho con. Nay còn căn nhà cũng phải cầm cố lấy tiền đưa con đi điều trị bệnh. Chẳng biết còn có thể níu kéo được đến khi nào, chỉ mong ngày nào còn được nhìn thấy con đó là điều hạnh phúc lắm rồi", người mẹ trẻ buồn rầu tâm sự.

Đôi mắt đỏ hoe vì nhiều đêm chăm con ở viện, chị kể, năm 2012, vợ chồng chị kết hôn và sinh một bé gái (năm nay 10 tuổi). Cuộc sống lao động ở vùng quê vất vả, để có tiền nuôi con ăn học, hằng ngày chị đi bóc vỏ keo thuê, mỗi ngày cũng được hơn 100.000 đồng. Còn anh Lương Văn Linh (34 tuổi, chồng chị Thêm) làm thợ sửa xe máy tại nhà.

Bé gái gần 2 tuổi ngàn cân treo sợi tóc, bố mẹ nghèo bất lực - 2

Mắc chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bé Hoài An thường xuyên quấy khóc, sốt cao (Ảnh: Thanh Tùng).

Đến năm 2022, chị sinh thêm bé Hoài An. Ngày Hoài An chào đời, cả gia đình vui mừng đón cô con gái kháu khỉnh. Thế nhưng, khi vừa tròn 7 tháng tuổi, bất ngờ tai ương ập đến, Hoài An được phát hiện mắc chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

"Cháu thường xuyên sốt cao, có lúc cháu mất hết sức lực, chỉ nằm im không biết gì, những lúc như vậy tôi và chồng phải đưa cháu đi viện. Có tháng cháu vào viện 3-4 lần. Mỗi lần đi viện tiêu tốn cả chục triệu đồng vì chi phí thuốc men rất đắt", chị Thêm tâm sự.

Người mẹ trẻ cho hay, kể từ ngày con gái bị bệnh, chị phải gác lại mọi công việc để chăm sóc cho con. Gần một năm qua, mỗi lần con đi viện, chị phải cầu cứu, vay mượn khắp nơi với hy vọng níu giữ sự sống cho con.

Bé gái gần 2 tuổi ngàn cân treo sợi tóc, bố mẹ nghèo bất lực - 3

Mỗi khi nhắc về con gái, chị Thêm buồn rầu, nặng trĩu nỗi lo (Ảnh: Thanh Tùng).

Dành cho bạn

"Số tiền tích góp của hai vợ chồng cũng chỉ đủ chi phí vài lần con gái đi viện. Mấy tháng nay, mỗi lần con tái bệnh, tôi và chồng phải chạy vạy khắp nơi. Thậm chí, có lần phải vay lãi để đưa con đi viện.

Các bác sĩ nói giờ chỉ còn cách ghép tủy mới chữa được. Gia đình cũng đã đưa con gái đầu đi lấy mẫu, nếu phù hợp sẽ tiến hành ghép tủy cho con. Nhưng ngặt nỗi chi phí hơn 1 tỷ đồng, số tiền này thực sự quá lớn đối với gia đình. Căn nhà là nơi ở duy nhất cũng đã cầm cố rồi. Giờ tôi không biết phải làm sao để cứu lấy con", chị Thêm lo lắng nói về hoàn cảnh của con gái.

Nhìn con gái tội nghiệp đang phải gồng mình chống chọi với bệnh tật, anh Lương Văn Linh buồn rầu. Để có tiền chữa bệnh cho con, ngoài thời gian sửa chữa xe máy, những lúc rảnh rỗi anh tranh thủ lên đồi đi vác keo thuê.

"Giờ gia đình không còn đủ kinh phí để điều trị cho con nữa. Hôm cắm nhà đất được hơn 200 triệu đồng, số tiền này chắc cũng chỉ đủ cầm cự đưa con đi viện được một thời gian ngắn. Cháu còn quá nhỏ, mỗi khi nhìn con phát bệnh tôi đau lắm", anh Linh buồn bã nói.

Bé gái gần 2 tuổi ngàn cân treo sợi tóc, bố mẹ nghèo bất lực - 4

Không còn tiền chữa bệnh cho con, anh Linh phải vay mượn khắp nơi, thậm chí căn nhà cũng đem đi cầm cố (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông Vi Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, cho biết, gia đình chị Thêm thuộc diện hộ cận nghèo ở địa phương. Kể từ ngày con gái bị bệnh, cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh bế tắc, khó khăn.

"Chúng tôi cũng thường xuyên vận động, kêu gọi người dân và con em xa quê chung tay ủng hộ, giúp gia đình chị vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, do đặc thù miền núi còn nhiều khó khăn nên chỉ đóng góp được phần nào. Giờ chi phí chữa bệnh cho cháu là quá lớn, hy vọng thông qua báo Dân trí, bạn đọc cả nước và các nhà hảo tâm giúp đỡ để gia đình chị sớm ổn định lại cuộc sống", ông Thắng nói.