Thông tin vụ việc bé trai hơn 3 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam, bị nam thanh niên “xuống tay” rồi bỏ vào tủ cấp đông đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người bày tỏ phẫn nộ trước hành vi quỷ đội lốt người của hung thủ và đề nghị áp dụng khung hình phạt cao nhất để răn đe những người khác.
Chiều 15/8, được sự đồng ý của lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam, Báo CAND đã tiếp xúc với Nguyễn Trường Giang (SN 1997, xóm 8, Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam) – đối tượng đã nhẫn tâm ra tay với cháu Nguyễn H.Đ., 3 tuổi, rồi cho vào tủ bảo ôn để che giấu tội ác…
Gần 2 ngày đêm bị bắt giữ, sức khỏe của Giang ổn định và đã khá bình tĩnh khai nhận hành vi tội lỗi của mình. Hắn cho biết, sau đêm đầu tiên mất ngủ vì lo sợ thì đêm thứ 2 đã ngủ ngon giấc vì được “các chú Công an động viên”.
Dáng người gầy nhỏ, Giang lí nhí trả lời câu hỏi của điều tra viên. Giang thuê nhà của ông Nguyễn Văn Thược, ông nội cháu Đ. từ tháng 4/2022 đến nay để mở quán trà sữa. “Cháu thuê giá 1,4 triệu/tháng, đầu tư vốn ban đầu hơn 30 triệu. Tuy ít khách nhưng mỗi tháng cháu lãi khoảng 5-6 triệu đồng”- Giang cho biết.
Theo lời khai của Giang thì hắn học hết lớp 9, thi không đậu lớp 10 nên nghỉ học đi làm thuê, sau đó đi nghĩa vụ quân sự. Hết thời gian nghĩa vụ, Giang lên Hà Nội làm cho các quán nước nên biết cách pha chế trà sữa và quyết định mở quán.
“Vợ chồng bác Thược tốt với cháu lắm. Bác ấy làm ở xã nên cũng không có nhiều thời gian, thi thoảng bác ấy sang hỏi thăm cháu làm ăn có được không, cần gì bác ấy cũng giúp đỡ nhiệt tình. Cháu thuê nhà trả tiền theo quý, mới trả được 1 quý (đến hết tháng 6/2022), từ tháng 7 đến nay chưa trả tiền nhưng bác ấy cũng không đòi” – Giang cho biết.
Khi được hỏi, vì sao ông nội cháu Đ. tốt thế mà Giang vẫn ra tay với cháu Đ., Giang bật khóc cho biết: “Cháu cũng không biết nữa. Tại vì cháu Đ. hỏi nhiều quá nên cháu cáu, cháu đang cầm cái chày đập đá quay người lại nên… Lúc đó Đ. đang kiễng chân lên để xem cháu làm nên bị chày đập vào đầu. Bị đau, Đ. khóc, nói là sẽ mách ông, mách mẹ nên cháu sợ quá, tìm cách che giấu việc đã gây thương tích cho Đ.”.
Khi bị hỏi vì sao khi ông Thược gọi điện hỏi về cháu Đ. thì anh không thừa nhận sự thật? Giang ngập ngừng rồi cho rằng: “Lúc đó, cháu sợ quá, không nghĩ được gì nên nói dối là thấy cháu Đ. đi vào nhưng sau không biết Đ. đi đâu. Khoảng 10 phút sau, bác Thược lại gọi bảo về mở cửa vì xem camera thấy Đ. đi vào mà không thấy đi ra, nhưng cháu sợ quá nói dối quanh rồi bỏ trốn lên Hà Nội.
“Cháu sai rồi, cháu hoảng quá không còn lý trí, cháu xin chịu hình phạt của pháp luật” – Giang cho biết.
Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, lúc mới bắt giữ được Giang ở Hà Nội di lý về Hà Nam, Giang tỏ ra thành khẩn khai nhận hành vi tội lỗi của mình.
Dành cho bạn
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì kiến nghị: Hành vi của nghi phạm là tàn ác, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Để có căn cứ xử lý đối tượng, Cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, mục đích, ý thức chủ quan, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của đối tượng khi bạo hành cháu bé rồi nhét cháu vào tủ lạnh cấp đông.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: Hành vi của đối tượng dùng dây giày thít cổ và đưa cháu bé vào tủ cấp đông là hành vi giết người. Hành vi này hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của cháu bé bởi vậy cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội Giết người quy định tại điều 123 bộ luật hình sự là có cơ sở.
Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng, nếu nhét một đứa trẻ còn quá nhỏ như vậy vào tủ cấp đông rồi đậy nắp lại trong một khoảng thời gian thì việc thay đổi nhiệt độ đột ngột và duy trì ở nhiệt độ âm như vậy hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của đứa trẻ.
Nếu nghi phạm nhận thức được hành vi có thể nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì đây là hành vi giết người. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại khoản một Điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
“Tội giết người có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân hoặc có thể dẫn đến nạn nhân thiệt mạng, đối tượng nhận thức được hành vi là nguy hiểm nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra là có thể xử lý về tội giết người, không phụ thuộc vào việc nạn nhân đã chết hay chưa.
Trong trường hợp xử lý về tội giết người nhưng cháu bé may mắn được cứu sống thì đối tượng sẽ được áp dụng tình tiết là phạm tội chưa đạt và hình phạt không quá 20 năm tù”, Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.