Nhiều công ty buôn bán thần dược, dọa nạt người bệnh mất tăm - Ảnh 1.

Hàng loạt công ty buôn bán thuốc giả, dọa nạt người bệnh đã "mất tăm" - Ảnh: Q.T.

Hàng loạt công ty buôn bán thần dược, dọa nạt người bệnh dừng hoạt động, "thay tên đổi họ"

Ngày 21-2, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết kiểm tra trụ sở Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Hebrotek (tại tầng 14, tòa nhà Zen Tower, số 12 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung), đơn vị phát hiện công ty đã dừng hoạt động.

"Bên trong Công ty Hebrotek do ông Phạm Quốc Khánh (29 tuổi, quê xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, Ninh Bình) làm giám đốc và là người đại diện pháp luật, chỉ có một nhân viên đang làm thủ tục giải thể", lãnh đạo quận thông tin.

Tại Công ty TNHH đầu tư thương mại SHN Việt Nam (địa chỉ tầng 12, tòa nhà Diamond Flower, số 48 Lê Văn Lương, khu đô thị mới N1, phường Nhân Chính), nhân viên quản lý tòa nhà cũng cho biết công ty không còn hoạt động tại đây. 

Trong khi đó, kiểm tra tại số 122 đường Phú Diễn (phường Phú Diễn), cơ quan chức năng UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết Công ty TNHH kinh doanh thương mại HPC Việt Nam do ông Nguyễn Mạnh Tường (26 tuổi, quê huyện Yên Mô, Ninh Bình) làm đại diện pháp luật đã dừng hoạt động.

Theo UBND phường Phú Diễn, Công ty HPC Việt Nam với khoảng 100 người làm việc trên máy tính đã chấm dứt hoạt động. Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy Công ty HPC Việt Nam đã giải thể.

Dành cho bạn

Nhiều công ty buôn bán thần dược, dọa nạt người bệnh mất tăm - Ảnh 3.

Bên trong phòng làm việc tại số 122 đường Phú Diễn (Hà Nội) trước thời điểm Tuổi Trẻ đăng bài điều tra - Ảnh: Q.T.

Vào cuộc dẹp nạn "thần dược giả, quảng cáo dỏm"

Trước đó, từ ngày 3 đến 6-1, báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài phóng sự điều tra phản ánh thông tin tất cả hoạt động thổi phồng công dụng của nhiều loại thuốc giả, đe dọa người bệnh trên khắp cả nước đều dẫn đến hàng loạt công ty quy tụ hàng trăm nhân viên hoạt động tại số 122 đường Phú Diễn.

Đáng chú ý, sau khi uống thuốc giả, có người bệnh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, suy thận.

Ngày 18-1, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị nhiều bộ, ban, ngành, UBND tỉnh thành trực thuộc trung ương vào cuộc để dẹp bỏ vấn nạn này.