"Ở Anh, kinh tế đêm là ngành công nghiệp đứng thứ 5 về tỷ trọng, đem về doanh thu 66 tỷ bảng Anh mỗi năm. Gần hơn có Australia, kinh tế ban đêm mang lại 102 tỷ USD. Tại Nhật Bản, ngành kinh tế đêm cũng phát triển rất mạnh", TS Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam mở đầu chia sẻ tại Diễn đàn ẩm thực Việt Nam 2023 chủ đề “Kinh tế đêm và ẩm thực phát triển” ngày 11/1.
Theo ông, kinh tế đêm sẽ có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng, đồng thời thu hút ngoại tệ và tạo việc làm cho người lao động tại các địa phương.
Các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, ẩm thực cùng lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: BTC.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho hay TP cũng đã có đề án phát triển kinh tế đêm và du lịch thông minh, từ đó quy hoạch 22 tuyến phố, chợ đêm. Trong chiến lược phát triển này, ẩm thực là trụ cột quan trọng không thể tách rời.
TP.HCM hiện có khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định và 15.800 cơ sở quán ăn đường phố. Bà Ánh Hoa đánh giá đây là hạ tầng đa dạng, phong phú để phát triển ngành F&B nói riêng và kinh tế đêm nói chung.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing, bà cho rằng TP vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, lợi thế của ngành ẩm thực trong chuỗi giá trị du lịch và kinh tế đêm. Nguyên nhân là thiếu định hướng chiến lược.
Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Diễn đàn hợp tác Việt - Hàn, cho rằng điều quan trọng nhất là xây dựng thương hiệu cho ẩm thực Việt.
Ông dẫn chứng món kim chi của Hàn Quốc từ những năm 2000 đã có giá trị xuất khẩu khoảng 500 triệu USD/năm, đến nay có thể lên đến hàng tỷ USD. Trong khi dưa muối, cà muối của Việt Nam không hề kém cạnh nhưng chưa khai thác được như vậy. Chưa kể, ẩm thực Việt Nam đa dạng hơn.
Dành cho bạn
"Khách du lịch đến Việt Nam vẫn chưa biết tiêu tiền như thế nào. Hiện Chính phủ và các địa phương đã có chương trình, doanh nhân cần nỗ lực thêm để phát triển du lịch, ẩm thực, kinh tế đêm", ông Huy nói.
Còn theo ông Đỗ Hòa - Ban cố vấn Hiệp Hội Ẩm Thực TP.HCM, một trong những thương hiệu mà Việt Nam có thể hướng đến xây dựng là ẩm thực bổ dưỡng cho sức khỏe, theo xu hướng tiêu dùng toàn cầu hiện nay.
Ông kiến nghị TP.HCM với vai trò đầu tàu cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và dịch vụ tại các cơ sở ăn uống, đồng thời xây dựng đồng bộ các chương trình truyền thông, quảng bá ẩm thực và du lịch TP ra thế giới.
Trong năm nay, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cho biết sẽ chú trọng nâng tầm ẩm thực, đưa TP nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành bếp ăn của thế giới, qua đó thúc đẩy kinh tế đêm và gia tăng nguồn thu cho ngành du lịch. Trước mắt, cơ quan này sẽ tập trung xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ sở dịch vụ ẩm thực trên địa bàn.
Hiện tại, nhiều trải nghiệm ẩm thực đã được đưa vào sản phẩm tour du lịch ở TP.HCM, đồng thời một số quận, huyện cũng xây dựng các tuyến phố ẩm thực riêng. Mới đây, quận 3 đã khai trương phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền, còn Phú Nhuận đang chuẩn bị cho đề xuất phát triển phố ẩm thực Phan Xích Long của TP.