Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... "gai độc"

Thu hoạch keo non để trồng gai xanh rồi... chặt bỏ

Nhắc đến cây gai xanh, ông Hà Đắc Liên, bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa lắc đầu, nói: "Bao nhiêu tiền của, công sức đổ dồn vào 1,3ha cây gai xanh, cuối cùng phải đốn hạ vì cây không lớn để thu vỏ mà lại ra hoa, cho quả. Gần 1 năm cây không cho thu hoạch lứa nào, lại còn mang thêm cục nợ".

Theo ông Liên, sau khi được chính quyền xã vận động, đi tham quan mô hình, ông nghĩ cây gai xanh dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho thu hoạch sớm, giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác nên đặt kỳ vọng lớn vào cây gai xanh.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... "gai độc" (Video: Hạnh Linh).

Tháng 5/2022, gia đình ông Liên thu hoạch 1,3ha keo mới được 3 năm tuổi để trồng cây gai xanh. Dù được chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn, nhưng cây không lớn.

"Gia đình tôi chấp nhận thu hoạch keo non để cải tạo đất chuyển sang trồng cây gai xanh. Hơn 4 tháng sau khi trồng, cây gai xanh chỉ cao được 50cm, thân úa vàng, ra hoa, ra quả. Quá thất vọng, đầu năm 2023 tôi báo chính quyền rồi nhổ bỏ cây gai xanh, trồng mía. Cây gai xanh khiến tôi lỗ 70 triệu đồng", ông Liên kể.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 1

Sau thời gian trồng gai xanh không hiệu quả, ông Hà Đắc Liên, tại bản Hắc, xã Trí Nang đã chuyển sang trồng mía (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang, toàn xã có gần 3ha cây gai xanh. Lúc mới trồng, cây phát triển tốt nhưng càng về sau, số cây trồng lụi dần, một số cây chết, cây còn sống thì phát triển chậm, chỉ cao chừng 50-60cm là ra hoa.

"Các vườn cây gai xanh trên địa bàn xã đều ra hoa, chính quyền xã báo cáo lên huyện", ông Thu xác nhận.

Cũng theo ông Thu, việc kiểm tra chất đất đã được thực hiện, không phát hiện vấn đề gì. Các hộ trồng cũng chăm sóc, làm đúng kỹ thuật được hướng dẫn. Vậy mà không hiểu vì sao cây còi cọc, không tốt.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 2

Vườn gai xanh của gia đình ông Lê Phi Dũng, ở bản En, xã Trí Nang phát triển không đều, nhiều cây ra hoa, kết trái (Ảnh: Hạnh Linh).

Vỡ mộng cây gai xanh

5 năm trước, ông Lê Văn Thắng, thôn Tân Phong, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh trồng gai xanh trên diện tích 5 sào. Sau nhiều lần không bán được thành phẩm, ông chán nản, phá cả vườn cây. Thậm chí ông đã đốt hết sợi gai khô.

Ông Thắng cho biết, năm 2018, có đơn vị thu mua cây gai xanh tươi chỉ tuốt lá với giá 1 triệu đồng/tấn. Đến năm 2019, chuyển sang hình thức mua sợi, gia đình ông đầu tư máy tuốt vỏ, thuê thêm nhân công thu hoạch, sơ chế cây gai xanh.

Tuy nhiên, khi ông chở hàng đi giao thì đơn vị thu mua nêu yêu cầu khắt khe, không nhập hàng. Yêu cầu cây gai xanh phải khô, không có biểu hiện mốc, mối mọt; màu sắc đạt là trắng xanh, xanh nhạt, vàng nhạt, vàng, vàng nâu; độ ẩm ở mức 14%... mới đạt yêu cầu…

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 3

Cây gai xanh được trồng để lấy vỏ nhưng cây lại dồn sức ra hoa, kết quả khiến người nông dân thất vọng (Ảnh: Hạnh Linh).

Ông Thắng cho rằng, bằng kinh nghiệm sản xuất, người dân chỉ có thể sờ để cảm nhận vỏ gai không còn nhớt, sợi khô cứng; nhìn thấy màu vàng hoặc vàng nâu là đóng túi bảo quản, chở đi bán.

"Năm 2021, một thời gian công ty chậm thu mua hàng. Mỗi lần hàng chở sang đều bị chê, trả lại do không đạt độ ẩm. Chán nản, cực chẳng đã tôi đốt bỏ hơn 5 tạ sợi gai tồn dư, sau đó đốn hạ cả vườn", ông Thắng nói.

Trong khi đó, việc trồng và thu hoạch cây gai xanh theo ông Thắng tốn công, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Việc thu hoạch đại trà tập trung trong một thời gian ngắn nên phải thuê cùng lúc nhiều nhân công. Sợi gai phơi được nắng mới đẹp, mà chỉ cần gặp một cơn mưa là bị thối hỏng, phải bỏ đi.

Dành cho bạn

Ông Lê Văn Phúc, công chức Địa chính - Nông nghiệp xã Tân Phúc, cho biết ban đầu người dân rất hào hứng, chuyển đổi cây trồng, có thời điểm toàn xã trồng hơn 10ha cây gai xanh. Tuy nhiên sau thời gian, cơ chế thu mua thay đổi khiến người dân không còn mặn mà, quyết định phá bỏ vườn gai xanh.

Đề án không hiệu quả?

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, cho biết: "Từ hơn 100ha cây gai xanh năm 2019, đến nay trên địa bàn huyện còn 1ha. 1ha này người dân cũng đang có ý định phá nốt".

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 4

Ông Dũng trao đổi về dự định phá bỏ vườn gai xanh 2 sào chưa cho thu hoạch lứa nào (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Tùng, năm 2018 khi thực hiện đề án phát triển vùng nguyên cây liệu cây gai xanh, huyện Lang Chánh có định hướng phát triển diện tích trồng lên đến 500ha. Huyện vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh.

Đến năm 2019, Lang Chánh có hơn 100ha cây gai xanh, tập trung nhiều ở các xã Đồng Lương, Tân Phúc.

"Xuất phát điểm, công ty mua cây tươi, sau lại chuyển sang hình thức mua sợi. Bà con phải tự tước vỏ cây ra phơi khô sợi, phải đầu tư máy móc, thuê thêm nhân công, rồi vận chuyển sản phẩm sang nhà máy để giao hàng, quá nhiều công đoạn", ông Tùng nói.

Ông Tùng cho biết, người dân vận chuyển sản phẩm nhập cho doanh nghiệp nhưng lại bị áp tiêu chuẩn độ ẩm, gây khó cho bà con. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, ở khu vực miền núi, độ ẩm lúc nào cũng cao, có thể cả lô hàng rất đảm bảo nhưng chỉ 1, 2 bó sợi chưa đạt yêu cầu, phía công ty cũng trả lại cả xe.

Vỡ mộng làm giàu, người trồng cây gai xanh thu về... gai độc - 5

Nhiều hộ dân ở xã Tân Phúc đã đốn hạ cây gai xanh, đổi sang cây trồng khác (Ảnh: Hạnh Linh).

"Hàng bị trả nhiều lần, người dân chở về nhà đốt, phá luôn cả vườn cây. Bên cạnh đó, công ty thu mua, thanh toán không ổn định. Năm 2022, có một thời gian họ ngừng thu mua, chậm thanh toán cho người dân, gây thất vọng lớn", Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh nói.

Cũng theo ông Tùng, trước đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây gai xanh. Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thuộc phạm vi Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh, phục vụ nhà máy sản xuất sợi gai được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để chuyển đổi từ trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh nguyên liệu. Nhà nước cũng hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây gai xanh, rót tiền đầu tư máy tước vỏ cây gai xanh với mức 5 triệu đồng/máy…

"Năm 2023, huyện Lang Chánh được UBND tỉnh cấp kinh phí 800 triệu đồng để mở rộng vùng nguyên liệu nhưng người dân đã mất lòng tin. Thực tế, vận động bà con rất khó, giờ không có ai dám mạo hiểm trồng gai xanh. Huyện đã dừng, bỏ cuộc, không thể thực hiện được đề án xây dựng hơn 5 năm trước", ông Tùng thông tin thêm.

Gai xanh là cây công nghiệp đa tác dụng, nhưng sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ cây gai xanh được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp. Lá của cây gai xanh được dùng để làm gánh gai, làm thức ăn cho gia súc gia cầm, thủy cầm, nuôi trồng thủy sản. Lõi cây gai có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ.

Ngày 24/4/2018 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định 1484/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên cây liệu gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đề án được thực hiện ở địa bàn 12 huyện: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Sơn, Triệu Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Hà Trung và Hoằng Hóa.

Mục tiêu của đề án đến năm 2020 phát triển vùng nguyên liệu gai xanh với diện tích 3.000ha. Giai đoạn 2021-2025 mở rộng thêm diện tích 3.457ha, nâng tổng diện tích đất trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 là hơn 6.400ha. Định hướng năm 2030, tổng diện tích gai nguyên liệu ổn định hơn 6.400ha.

Phát triển vùng nguyên liệu gai xanh nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.