Du lịch từ lâu là trụ cột quan trọng của kinh tế Thái Lan. Trước dịch, năm 2019, doanh thu từ du lịch của nước này gần 60 tỷ USD, chiếm 12% GDP và 20% lực lượng lao động.

Khi Covid-19 xuất hiện, vì các biện pháp chống dịch, du lịch đi xuống, tăng trưởng của Thái Lan cũng suy giảm theo. Năm 2021, khách quốc tế đến nước này chỉ còn 428.000 người, tăng trưởng GDP vì thế chỉ còn 1,5%.

Do đó, ngay khi mở cửa, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á coi hồi sinh du lịch sau đại dịch là mấu chốt. Việc khách Trung Quốc trở lại càng mang đến hy vọng cho họ, bất chấp công nghiệp sản xuất và xuất khẩu vẫn yếu. Theo dự báo của HSBC, đến năm 2023, Thái Lan sẽ là nước hưởng lợi nhất về kinh tế khi du lịch phục hồi.

Để sớm vực dậy mũi nhọn kinh tế du lịch, Thái Lan liên tục đưa ra những ý tưởng và mạnh dạn thử nghiệm chúng. Tháng 3/2020, khi Covid-19 vẫn là nỗi sợ lớn khi đón khách quốc tế của các nước, Thái Lan quyết định tung ra thử nghiệm đón khách mùa dịch có tên "The Phuket Sandbox". Ban đầu, khách từ 66 thị trường đến ở biệt lập 14 ngày tại một khách sạn trên đảo.

Sau một tháng, chương trình nâng cấp thành "Phuket Sandbox 7 + 7 Extension", khách ở 7 ngày tại Phuket sau đó là 7 ngày tại một số đảo chỉ định khác trước khi được đi các nơi mong muốn. Trong 3 tháng, họ đón 47.610 lượt khách.

Đến 1/11/2021, Thái Lan thay thế bằng chương trình "Test & Go", đón khách đã tiêm và xét nghiệm PCR. Khách cần một đêm cách ly để chờ kết quả và sẽ được tự do du lịch nếu âm tính. Chính sách này nhanh chóng thành công, ngay tháng 11, Thái Lan đón 91.260 lượt và tăng lên 230.500 lượt khách vào tháng 12. 1/5/2022, họ bỏ xét nghiệm PCR và khách chỉ cần đăng ký Thailand Pass. Để thông thoáng hơn, Thailand Pass được bỏ từ 1/7/2022.

Cùng với giải quyết rào cản về chống dịch từ sớm, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đề xuất 3 chính sách mà sau đó là "át chủ bài" giúp phục hồi du lịch. Đó là nâng thời gian miễn visa cho các quốc tịch đủ điều kiện từ 30 ngày thông thường lên 45 ngày; nâng gia hạn thêm visa từ 15 lên 30 ngày; tăng tần suất chuyến bay.

TAT lập luận, bằng cách tăng thời gian lưu trú tối đa được phép, khách ở lại lâu hơn và chi nhiều hơn. Họ dự đoán rằng trung bình khách du lịch sẽ ở dài hơn 5 ngày so với trước. Nếu chi tiêu trung bình hàng ngày của khách là 4.000 – 5.000 baht, điều này sẽ tăng thêm khoảng 20.000 baht cho mỗi khách cho chuyến đi đến Thái Lan. Có nghĩa là thêm nhiều tiền được đi vào nền kinh tế.

Khi kết hợp nhiều biện pháp, Thái Lan đã thành công. Đến 2022, khi khách phục hồi lên mức 11,15 triệu (vượt mục tiêu 10 triệu), tăng trưởng kinh tế cải thiện lên mức 2,6%. Kết quả GDP thấp hơn kỳ vọng do xuất khẩu giảm khi nhu cầu thế giới suy yếu. Tuy nhiên, trụ cột du lịch vẫn giữ tốc độ tăng trưởng dương so với 2021.

Khách du lịch tham quan Hoàng cung tại Bangkok ngày 7/1/2023. Ảnh: Reuters

Khách du lịch tham quan Hoàng cung tại Bangkok ngày 7/1/2023. Ảnh: Reuters

Trong năm nay, khi sức mua còn ảm đạm, Hiệp hội các nhà bán lẻ Thái Lan (TRA) dự báo doanh số bán lẻ sẽ tăng từ 6% đến 8% nhờ du lịch phục hồi. Còn theo Kae Pornpunnarath, Trưởng bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu Thái Lan của J.P. Morgan gia tăng trong chi tiêu của người không cư trú sẽ thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, vốn vẫn ở mức thấp hơn trung bình.

Dành cho bạn

"Ngoài ra, chính phủ Thái Lan phê duyệt chương trình giảm thuế 'Shop Dee Mee Khuen' - cung cấp khoản khấu trừ thuế lên tới 40.000 baht cho hàng hóa và dịch vụ được mua từ ngày 1/1 đến 15/2/2023 - tiếp tục thúc đẩy chi tiêu trong ngắn hạn", Kae Pornpunnarath nói.

Những ý tưởng mới để gia tăng doanh thu tiếp tục ra đời. Từ 1/6, khách quốc tế sẽ nộp phí nhập cảnh từ 4 đến 9 USD. Khi được áp dụng, riêng năm nay nước này thu được hơn 115 triệu USD. Trước đó, vào 1/9/2022, để thu hút những người nước ngoài thu nhập cao ở lại lâu hơn, Thái Lan giới thiệu phiên bản mới của thị thực cư trú dài hạn (LTR), thời hạn ở lại tối đa 10 năm. Mục tiêu của họ là thu hút một triệu du khách theo thị thực LTR, tạo ra 24,8 tỷ USD trong 5 năm nhờ hoạt động đầu tư và mua bất động sản của những người này.

Ngoài chính sách, năm nay, Tổng cục Du lịch Thái Lan áp dụng các chiến lược tiếp thị đa mục tiêu để thu hút du khách từ các nhóm khác nhau như du lịch sức khỏe, thể thao; những người "du mục kỹ thuật số", tức làm việc từ xa qua Internet.

Chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích các doanh nghiệp du lịch địa phương áp dụng mô hình kinh tế Bio-Circular-Green (BCG), để thu hút thế hệ khách du lịch trẻ, những người ưu tiên du lịch bền vững.

Theo hãng nghiên cứu Economist Intelligence (Anh), năm 2023, du lịch dự kiến sẽ là một trong những ngành chính đóng góp vào tăng trưởng GDP Thái Lan khi lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng trưởng chậm hơn.

"Sự phục hồi của lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng cường trong những năm tới, điều này sẽ hỗ trợ việc làm và thu nhập trong ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan", đơn vị này đánh giá.

Ju Ye Lee, Chuyên gia ngân hàng đầu tư Maybank, cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ không chỉ thúc đẩy du lịch (doanh thu du lịch từ du khách Trung Quốc chiếm 3,1% GDP vào năm 2019) mà còn giúp hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa - yếu tố chính làm giảm tốc độ tăng trưởng trong quý IV.

Chỉ số tâm lý công nghiệp của Thái Lan đo lường bởi Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) cũng khởi sắc khi du lịch phục hồi. Tháng 2/2023, chỉ số này tăng lên 96,2, từ 93,9 trong tháng 1, đánh dấu trở lại mức trước đại dịch.

Đánh giá cả năm, Nomura Holdings dự báo kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 4% vì sự hồi sinh của du lịch với lượng khách nước ngoài đạt 30 triệu, cao hơn mức 28 triệu theo dự kiến của Hội đồng phát triển xã hội và kinh tế quốc gia (NESDC).