Sau 18 năm hoạt động, Parkson Việt Nam đã nộp đơn phá sản trước những khó khăn về môi trường kinh doanh. Parkson Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) - một trong những TTTM nổi tiếng được Parkson khai trương năm 2007 - cũng im lìm đóng cửa thời gian qua.

Đến nay, Tập đoàn Kido cho biết đã có kế hoạch cải tạo nơi này với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

80% diện tích thuê đã có chủ

Hiện tại, ông Trần Lệ Nguyên, CEO Kido, đang nắm 44% cổ phần Công ty CP Hùng Vương - đơn vị sở hữu Parkson Hùng Vương.

Nói với Zing, vị này cho hay đang hoàn tất thủ tục để nâng tỷ lệ sở hữu lên 76%. Trong đó, Tập đoàn Kido sẽ mua 32% cổ phần từ các đối tác, trong đó có Vinacapital. Thỏa thuận giữa hai bên đã gần như hoàn tất, Kido sẽ toàn quyền chi phối TTTM này trong tháng 8.

Theo ông Trần Lệ Nguyên, Parkson Vietnam đã nợ Hùng Vương tiền thuê mặt bằng một năm. Khi thấy doanh nghiệp khó có khả năng trả nợ, công ty quyết định thu hồi mặt bằng và cho giãn nợ.

Từ thời điểm Parkson rút lui, thay vì tìm đối tác thuê khác, Kido đã nhận lại và cải tạo để chính thức khai trương trở lại trong tháng 8 này với tên gọi Hùng Vương Plaza.

Kido, tap doan Kido, Parkson Hung Vuong anh 1

Parkson Hùng Vương ngừng hoạt động và được cải tạo nhiều tháng qua. Ảnh: Quỳnh Danh.

Dự án này sẽ có 7 tầng với diện tích sàn thương mại 30.000 m2, tổng vốn đầu tư là 200 tỷ đồng. Trong đó, diện tích cho thuê 25.000 m2, với mặt bằng giải trí chiếm 16%, khu ẩm thực chiếm 31% và bán lẻ - dịch vụ chiếm lớn nhất với 53%.

Kido cho hay tỷ lệ cho thuê đã ký kết đến nay đạt trên 80%, dự kiến đến ngày khai trương sẽ đạt tối thiểu 90% với trên 100 thương hiệu nổi tiếng quốc tế và trong nước.

Các thương hiệu có mặt tại TTTM mới này bao gồm Starbucks Coffee, Chuk Tea & Coffee, Haidilao, Hokkaido Sushi, Nike, Adidas, Sketchers, Levis, CGV... Đặc biệt, khu vui chơi giải trí Làng Xì Trum được Kido tự tin giới thiệu là một mô hình lần đầu tiên có mặt trên cả nước.

Với mức giá thuê từ 30 USD/m2/tháng đến 95 USD/m2/tháng, doanh thu dự kiến đạt 20 tỷ đồng/tháng. Tương ứng, TTTM mới này sẽ mang về gần 250 tỷ doanh thu mỗi năm cho tập đoàn.

Tránh "vết xe đổ" của Parkson

Khi được hỏi liệu việc Parkson Hùng Vương thua lỗ có khiến Kido lo ngại kết cục tương tự, ông Trần Lệ Nguyên tự tin khẳng định TTTM mới sẽ có hướng khai thác hoàn toàn khác biệt.

"Thất bại của Parkson Hùng Vương chủ yếu do mô hình cũ, không còn hợp với xu hướng hiện nay. Parkson cũng không chú trọng việc cơ cấu tỷ lệ các nhãn hàng, không chú trọng mảng F&B... nên không thu hút được các bạn trẻ.

Dành cho bạn

Với Hùng Vương Plaza mới, chúng tôi chú trọng cơ cấu và đa dạng các dịch vụ. Takashimaya đã rất thành công khi làm tương tự và rất hút khách nhưng với khách trẻ, túi tiền không nhiều, Hùng Vương Plaza mới này sẽ là lựa chọn thay thế", CEO Kido chia sẻ.

Kido, tap doan Kido, Parkson Hung Vuong anh 2

Kido muốn biến Parkson Hùng Vương thành một TTTM hút khách như Vạn Hạnh Mall (quận 10). Ảnh: Kido.

Để khẳng định sự hiệu quả của mô hình mà mình đang theo đuổi, ông Trần Lệ Nguyên lấy dẫn chứng Vạn Hạnh Mall ở quận 10 bắt đầu kinh doanh từ năm 2018, trải qua thời gian dịch bệnh khó khăn nhưng hiện vẫn có tỷ lệ lấp đầy là 100%.

Trong 4 tháng đầu năm, mỗi tháng nơi này đón gần 1 triệu lượt khách đến, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Trong năm 2023, TTTM này dự kiến doanh thu trên 400 tỷ đồng.

Nhiều thương hiệu nổi tiếng, quy mô cửa hàng đến từ quốc tế đang có mặt tại Vạn Hạnh Mall như Uniqlo, Decathlon, ACE Home Center, Hadilao, Starbucks, Highlands... Bên cạnh đó là những cửa hàng rộng lớn đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi - giải trí, ăn uống của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

"Khi tiếp quản Hùng Vương Plaza, chúng tôi tự tin thổi làn gió mới vào mô hình kinh doanh TTTM mới bất chấp bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn", ông Nguyên nhấn mạnh.

Nhận xét về thị trường bán lẻ hiện nay, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM cũng đánh giá các dự án TTTM lúc này không còn quá ưu tiên cho thuê diện tích lớn. Thay vào đó, họ hướng đến đa dạng ngành hàng, cung cấp đa dạng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng hơn.

"Những thói quen mua sắm mới ngày càng tác động rõ rệt đến hiệu quả kinh doanh của các thương hiệu, điều này khiến các TTTM phải xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, lên kế hoạch 3-5 năm để tiếp tục cải tiến mặt bằng hiện hữu, đón chào những thương hiệu quốc tế mới gia nhập vào Việt Nam", bà Quyên nhìn nhận.

Khẳng định về xu hướng này, bà Marie Hickey, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu bất động sản thương mại Savills UK, cũng khẳng định việc các không gian bán lẻ đang chuyển mình từ cửa hàng truyền thống sang một không gian để khách hàng trải nghiệm nhiều hơn.

Trong bối cảnh số hóa như hiện nay, vai trò của các cửa hàng vật lý đang được những thương hiệu định vị lại thành điểm đến kết hợp giữa mua sắm, thư giãn và giải trí.