Xuất khẩu nông sản sẽ là mũi nhọn của nền kinh tế. Ảnh: Phong Linh
Xuất khẩu nông sản là thương hiệu, hình ảnh quốc gia
2022, nông nghiệp Việt Nam đạt hơn hơn 53 tỉ USD xuất khẩu và xuất siêu hơn 9 tỉ USD, chiếm hơn 75% tổng xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điều đó cho thấy, dù trong khó khăn, sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao cho thấy "chúng ta có thể làm được nhiều hơn những gì đặt ra".
Theo Bộ trưởng, những con số đó chưa nói hết ý nghĩa của câu chuyện xuất khẩu nông sản.
"Tôi tưởng tượng vào một một buổi sáng nào đó, ở một quốc gia nào đó, người dân ở đó ăn hạt gạo và nói luôn rằng đây là gạo Việt Nam, ăn con cá nói đây là cá Việt Nam, ăn trái xoài nói đây là xoài của Việt Nam. Như vậy, hai từ Việt Nam vang lên trong từng ngôi nhà trên thế giới 8 tỉ người này" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Ông Lê Minh Hoan nhắc lại việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tặng quýt Unshu cho Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp hồi tháng 11.2021. Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2020, trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản - ông Suga cho biết sẽ hợp tác để sớm xuất khẩu quýt Unshu sang Việt Nam.
Đến tháng 10.2021, quýt Unshu đã chính thức được cấp phép vào Việt Nam.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cùng nhau hành động "vì đất nước, vì nông dân Việt Nam" chứ không phải chỉ dừng lại ở những con số xuất khẩu đáng tự hào.
Cách nhìn khác, cách đi khác
Dành cho bạn
Người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cũng nhấn mạnh, thông qua những con số xuất khẩu, ngày càng nhận ra được những đặc điểm của thị trường thế giới để giữ thế chủ động cho những năm tiếp theo.
Cụ thể, đó là nhận ra được những thị trường tiềm năng, những thị trường có lợi thế cạnh tranh cao để tập trung và với những thị trường khác cần có chuyển đổi cho phù hợp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đã tiếp xúc với nhiều Việt kiều khi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ trong các chuyến công tác.
Ông nhận thấy có những điều Việt Nam cần điều chỉnh trong công tác xúc tiến nông sản cũng như xúc tiến đầu tư thương mại, chú ý tới từng lĩnh vực, từng phân khúc thị trường cũng như văn hóa tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chỉ ra, trong thế giới có nhiều biến đổi, nông nghiệp đứng trước 3 biến đổi đáng chú ý: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến động xu thế tiêu dùng thế giới. Những điều đó buộc ngành nông nghiệp "không thể đứng yên mà cần chủ động thích ứng".
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, cần có sự phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao để có "cách nhìn khác, cách đi khác".
Ông cũng chỉ ra, cùng với phát triển thị trường, việc chuẩn hóa nông sản "là sứ mạng của ngành nông nghiệp" bởi trong tương lai, truy xuất nguồn gốc là vấn đề sống còn. Do đó, ông mong muốn các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài sớm chuyển những thông tin thị trường cho ngành nông nghiệp để có sự chuẩn bị. "Nhiều khi chúng ta tìm hiểu được thị trường rồi nhưng lại không có sản phẩm đáp ứng được, đó là điều rất đáng tiếc và rất lãng phí" - ông lưu ý.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần có hợp tác về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ gene, các mô hình nông nghiệp tiên tiến, trong bối cảnh Việt Nam đang có khoảng cách rất xa so với các nước ở phương diện này.