Dừa Bến Tre được đóng gói xuất khẩu sang thị trường Mỹ - Ảnh: THẢO THƯƠNG
Việt Nam là nước nông nghiệp, nguồn cung nông sản lớn. Nông dân luôn học hỏi. Dễ hiểu là tại sao so với trước đây, lúa đã có 2-3 vụ, trái cây có quanh năm, có thể cung cấp sản phẩm mà thế giới không có.
Cần công nghệ, bàn tay "nhạc trưởng"
Nhưng còn nhiều cái vướng. Đầu tiên, công nghệ chế biến sâu chưa đạt được hiệu quả, chưa ứng dụng nhiều công nghệ cao dẫn đến hàng hóa nông sản có chất lượng thấp.
Các sản phẩm nông sản tại Việt Nam chủ yếu được sản xuất bởi hộ gia đình và trang trại nhỏ; sản phẩm nông sản được trồng ra không thống nhất, có sự phân chia, cái này để bán nội địa, cái này để xuất khẩu…
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu bổ sung của các khách hàng EU như quy trình trồng trọt và sản xuất an toàn GlobalGAP, HACCP, ISO 22000; cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm.
Vì thế cần có bàn tay nhạc trưởng, đó là Bộ NN&PTNT, cụ thể ở đây là phải có cơ chế chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư lớn vào chế biến nông sản.
Song song với đó tạo ra một vùng nguyên liệu bền vững, để có sự an toàn cũng như tiềm năng lâu dài thu hút đầu tư tăng giá trị ngành nông nghiệp. Chính quyền địa phương cũng phải chủ động trong việc quy hoạch, tạo vùng nguyên liệu, cơ chế mời gọi…
Các ngành hàng nông sản đang được xây dựng nền tảng rất tốt, nên trước hết, cần thúc đẩy công nghệ bảo quản, khi xảy ra những biến cố có thể đưa vào bảo quản.
Khi bảo quản tốt sẽ xuất đi được nhiều nơi, đi xa. Ví dụ, nông sản từ Việt Nam qua Mỹ, EU mất 30-45 ngày, thì sản phẩm phải có thời gian bảo quản 60 ngày. Để khi qua tới nơi, đưa ra chợ mất 7 ngày nữa; người tiêu dùng mất 1-2 ngày để mua về; mua về cần thời gian để ăn.
Có thương hiệu kiểu nho mẫu đơn Hàn Quốc
Khi bảo quản tốt thì cần thương hiệu quốc gia. Ngoài lúa gạo Việt đang xây dựng thương hiệu quốc gia, các mặt hàng nông sản khác chưa có.
Hiện nay, nghe tới táo, thế giới nghĩ tới táo Mỹ, hay kiwi New Zealand; nho mẫu đơn Hàn Quốc… Chúng ta phải xây dựng thương hiệu. Cần có trái cây chiến lược quốc gia, loại nước khác có nhưng không bằng Việt Nam.
Dành cho bạn
Tôi mong sắp tới có thương hiệu bưởi Việt Nam vì bưởi của chúng ta vượt trội so với bưởi Mexico hay bưởi Nam Mỹ; hoặc xây dựng thương hiệu quốc gia dừa Bến Tre vì đây là sản phẩm xuất khẩu đầy tiềm năng.
Khi tạo được thương hiệu, sẽ tạo sản phẩm liên quan. Bởi có thương hiệu bưởi rồi thì sẽ có tinh dầu, dầu gội bưởi; tinh dầu dừa… sẽ liên kết theo đó.
Nhiều điều Việt Nam cần học hỏi
Chúng ta cần học người Thái để đưa trái cây Việt đi xa: tuân thủ nguyên tắc bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia. Các doanh nghiệp cần tư duy theo hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên, nhất là sản phẩm chủ lực. Ở Việt Nam còn tình trạng thiếu đoàn kết, mạnh doanh nghiệp nào doanh nghiệp đó làm...
Ở Mỹ, như cam tươi, một nửa bán tươi khi đồng đều về trọng lượng, màu sắc, chất lượng. Số còn lại được đưa vào nhà máy làm nước ép. Tức là họ chuẩn hóa công đoạn thu hoạch, sơ chế, bảo quản đóng gói, phân phối… Việt Nam nên học hỏi cái này.
Đặc biệt khi quảng bá sản phẩm, hãy quên tính địa phương mà hãy nghĩ tất cả trái cây hay nông sản khác là thương hiệu Việt Nam. Đây cũng là suy nghĩ của người Thái trong việc xây dựng thương hiệu nông sản mà Việt Nam cần nhìn vào.
Cần thay đổi tư duy sản xuất
Việt Nam đang chuyển đổi tư duy sản xuất qua tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm thế giới cần. Chẳng hạn có giống mới gạo thơm ST25; mở cửa thị trường để vú sữa, xoài, bưởi da xanh đi Mỹ; sầu riêng đi Trung Quốc.
Ngoài ra, nông nghiệp ngày càng có diện mạo mới, với những tập đoàn lớn nổi lên: THACO, HAGL, TTC.
Cần tạo ra được cánh đồng lớn, để thế giới nghĩ hàng nông sản Việt Nam chất lượng, ai cũng giống nhau.
Rồi 100 triệu dân cũng thay đổi suy nghĩ, chung tay. Để dân chung tay, trước hết cũng cần thay đổi tư duy sản xuất, đây là yếu tố quyết định, chứ không hẳn là chính sách hay tiền.