Liên quan đến bài viết "Đại gia ngoại thâu tóm gia cầm Việt" (Báo Người Lao Động số ra ngày 1-9), lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có chống bán phá giá là công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và pháp luật của Việt Nam cho phép sử dụng để bảo vệ lợi ích chính đáng của cả ngành sản xuất trong nước, không phải để bảo vệ doanh nghiệp (DN) riêng lẻ.
Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho rằng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng được đối xử bình đẳng như DN trong nước trong lĩnh vực này. Thực tế cho thấy nhiều ngành sản xuất trong nước (gồm cả DN FDI tại Việt Nam) đã sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, qua đó bảo vệ công ăn việc làm của người lao động cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế.
Đối với mặt hàng thịt gà lông trắng, ngay từ tháng 7-2015, khi có thông tin phản ánh thịt gà giá rẻ gia tăng nhập vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều buổi làm việc với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các hiệp hội để tìm hiểu thông tin và thu thập số liệu, cung cấp thông tin cho ngành sản xuất trong nước về các yêu cầu, trình tự, thủ tục về phòng vệ thương mại.
Ngành chăn nuôi gà trong nước cần được bảo vệ trước làn sóng nhập khẩu gà giá rẻ từ nước ngoài Ảnh: NGỌC ÁNH
"Kết quả cho thấy nhóm DN chiếm thị phần đa số trong chăn nuôi gà lông trắng tại Việt Nam như C.P (Thái Lan), Japfa (Indonesia), Emivest (Malaysia) đều là DN FDI có đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá. Tại thời điểm đó, có nhiều dấu hiệu thịt gà nhập khẩu đang bán phá giá tại thị trường Việt Nam do giá nhập khẩu trung bình tương đối thấp. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gà trong nước chưa thống nhất được việc nộp hồ sơ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại" - đại diện Cục Phòng vệ thương mại thông tin.
"Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT cũng như các hiệp hội chăn nuôi theo dõi sát tình hình, đồng thời tư vấn cho ngành sản xuất trong nước để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình theo đúng quy định pháp luật. Đối với ngành gà thịt, khi các DN có thị phần lớn đều là DN FDI, Bộ Công Thương khuyến nghị các DN cần tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, đặc biệt là liên kết, phối hợp, chia sẻ thông tin để phòng vệ thương mại. Ngành chăn nuôi gà trong nước cũng cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước theo sát diễn biến tình hình thị trường, thực tế nhập khẩu để có thể đưa ra các kiến nghị kịp thời, theo đúng quy định pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, kể cả kiến nghị về các biện pháp phòng vệ thương mại" - đại diện Bộ Công Thương đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, thừa nhận các DN trong ngành thiếu sự thống nhất nên cả ngành bị thiệt. "Trong vấn đề này, Bộ Công Thương đã hỗ trợ hết sức nhưng nhiều DN, người chăn nuôi vẫn cứ lo sợ đâu đâu nên không tham gia. Tôi thấy việc kê khai cho cơ quan quản lý hết sức đơn giản, không có gì khó khăn. Tôi đề nghị chính quyền các địa phương cần phối hợp tuyên truyền về phòng vệ thương mại để các DN và người chăn nuôi hiểu, cùng chung tay bảo vệ sản xuất trong nước" - ông Ngọc kiến nghị.
Dành cho bạn
Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, lại nhìn nhận việc các DN FDI không mặn mà trong việc chống thịt gà nhập khẩu giá rẻ bởi những DN này đang tập trung nhiều vào chăn nuôi heo, lĩnh vực đang có lãi nhiều.
"Tôi cho rằng thực trạng ngành chăn nuôi hiện nay là do năng lực điều hành kém của các bộ, ngành. Khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, các bộ ngành kêu gọi tăng nuôi gia cầm để bù đắp lượng thịt bị thiếu, đồng thời tăng luôn cả lượng nhập khẩu đến 150% dẫn đến khủng hoảng thừa. Khi giá gà quá rẻ, dưới giá thành, các bộ, ngành không quan tâm mà cứ tập trung kéo giảm giá thịt heo khi nguồn cung bị thiếu. Nếu để giá thịt heo cao theo quy luật cung cầu, người tiêu dùng khắc sẽ chuyển dần sang các loại thịt khác, trong đó có thịt gà giúp cả 2 mặt hàng cân bằng cung cầu, giá sẽ về mức hợp lý" - ông Quyết phân tích.
Người chăn nuôi xoay trở để tồn tại
Theo ông Lê Văn Quyết, thực tế ngành chăn nuôi gà trắng sau thời gian gặp dịch bệnh và các đợt bão giá, phần lớn người chăn nuôi đã bỏ cuộc vì không chịu nổi lỗ. Tại khu vực Đông Nam Bộ, DN Việt trong ngành còn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, các trang trại của ông chủ Việt Nam phải tìm cách thích ứng để tồn tại: cho thuê trại, nuôi gà gia công cho các DN FDI và tham gia chuỗi sản xuất với giá đầu ra cố định. Trong 3 hình thức trên chỉ giúp DN tồn tại, còn phát triển là rất khó.