Nhiều nhà đầu cơ bất động sản ở TPHCM mang sổ đỏ ra đường bán như bán rau (Ảnh: NVH).
Chỉ vài năm trước, Nguyễn Hoàng Lâm (ngụ tại quận Tân Phú, quê Đắk Lắk) có thu nhập lên đến gần 40 triệu đồng mỗi tháng từ công việc môi giới bất động sản. Hai vợ chồng Lâm vì vậy cũng tích góp được cả tỷ đồng để mua trả góp căn hộ 2,5 tỷ đồng ở Tân Phú. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập của Lâm cứ giảm dần, thời điểm trước khi công ty cho nghỉ việc, thu nhập của chàng trai này chỉ còn 2 triệu đồng/tháng.
Công ty bất động sản nơi Lâm làm việc cũng là đơn vị có uy tín ở phía Nam, chuyên môi giới các dự án ở Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An. Những năm làm ăn khấm khá, công ty của Lâm bán hơn 2.000 sản phẩm mỗi năm nhưng hai năm qua không bán nổi 20 sản phẩm.
Theo chia sẻ của chàng trai quê Đắk Lắk, nhu cầu thực của người mua rất ít, cộng thêm các địa phương đang siết chặt pháp lý, ngân hàng siết nguồn vay nên thị trường nhà đất gần như đóng băng.
"Công ty vẫn còn hơn 300 nền đất với giá khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng nhưng cả trăm sales vẫn không thể bán được, dù đã tìm đủ mọi cách", Lâm, thở dài.
Do không bán được hàng, Lâm và gần 300 nhân viên công ty cứ nghỉ dần vì không thể sống với vài triệu đồng lương "cứng". Không ít trong số đó đã ra chạy xe ôm công nghệ, đi làm nhân viên bán bảo hiểm, bán hàng online, bốc vác...
"Gần 10 năm lăn lộn với nghề, chưa khi nào tôi nghĩ sẽ phải rơi vào hoàn cảnh như thế này. Mọi chi phí sinh hoạt đều phụ thuộc vào thu nhập từ việc làm môi giới xe của vợ. Cũng may hai vợ chồng chưa có con, nếu không chắc phải bán nhà", Lâm quay mặt đi vì sợ nước mắt lăn dài trên mặt. Với người đàn ông xa quê, gần 10 năm làm trụ cột gia đình, đây quả thực là cú sốc lớn.
Nhắc đến thưởng Tết, Lâm nói: "Có năm được thưởng gần 200 triệu, năm ngoái thì được 14 triệu. Năm nay nghỉ việc nên không có. Lúc trước cứ nghĩ công nhân được thưởng Tết vài triệu bạc thì làm được gì, giờ mong vài triệu cũng không có".
Giám đốc một công ty bất động sản ở đường Tên Lửa (quận Bình Tân) cho hay, hơn 200 nhân viên công ty đã được cho nghỉ việc từ tháng 10. Hiện, công ty còn lại gần 10 nhân viên nhưng thưởng Tết cũng chỉ là tượng trưng, 500 - 1 triệu đồng.
Dành cho bạn
"Anh em ban giám đốc cũng phải cầm cố nhà cửa để duy trì công ty, hy vọng năm sau sẽ tốt hơn nhưng tình hình này chắc sẽ rất khó. Công ty tôi có 3 chi nhánh nhưng phải trả mặt bằng hết 2 rồi. Nếu tháng 6 năm sau mà thị trường chưa hồi phục, không có giao dịch thì... chính thức sập tiệm", người này chia sẻ.
Giám đốc Marketing một công ty bất động sản ở quận 2, TPHCM cũng than thở, năm nay công ty cắt hết thưởng Tết, giảm một nửa lương từ tháng 11. Công ty cũng đã cắt giảm 1/2 nhân sự, nhân viên sales thì chuyển qua chế độ cộng tác.
"Giờ chỉ mong sao công ty trả lương tháng này để về quê thôi, không mong chờ gì vào thưởng Tết nữa. Những năm trước, dịp cuối năm có thể thưởng 200 - 400 triệu đồng", chị này nói thêm.
Do nghỉ việc từ tháng 9 đến nay, Nguyễn Quang Thế (ngụ tại quận Bình Tân) nhập mỹ phẩm về bán. Tuy vậy, công việc kinh doanh chậm, Thế nợ gần 200 triệu đồng. Đúng 17 năm xa xứ, đây sẽ là năm đầu tiên anh phải chấp nhận ăn Tết xa nhà.
"Tiền vay của họ hàng ở quê, giờ cuối năm họ đòi quá nhưng không có tiền trả, ở đây trốn nợ thôi. Lúc trước, thưởng Tết thấp nhất là 50 triệu đồng, tiền đó mang về biếu cha mẹ và mua quà cho anh chị em, năm nay thì thua", Thế bộc bạch.
Tại công ty bất động sản nơi Thế làm việc, thưởng Tết mọi năm dựa trên doanh thu, có nhân viên xuất sắc có thể đạt mức thưởng 500 triệu đồng, lãnh đạo đạt mức thưởng 600 - 700 triệu đồng. Tuy vậy, năm nay hầu hết nhân viên đều thất nghiệp như Thế, mức thưởng Tết của những người ở lại có khi cũng chỉ vài trăm ngàn đồng.
Cũng như Thế, nhiều nhân viên môi giới bất động sản năm nay sẽ đón Tết xa nhà. Có lẽ đây sẽ là cái Tết buồn nhất với rất nhiều người làm trong lĩnh vực bất động sản. Một lĩnh vực từ trước tới nay nổi tiếng là "Tết ấm" khi thưởng Tết hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả siêu xe. Giờ đây, không ít người trong số họ chỉ mong được thưởng Tết như công nhân.