Triết lý lãnh đạo của ông Hoàng Nam Tiến: Luôn phải nghĩ rằng không được thất bại - Ảnh 1.

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến.

"Lý do tôi nói đã trót làm lãnh đạo cố gắng đừng thất bại, bởi lúc ấy không chỉ khổ cho mình. Người làm lãnh đạo mà thất bại ảnh hưởng đến hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn con người", Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến phát biểu trong chương trình “Đối thoại” do Vietnamnet tổ chức gần đây.

Ông lấy ví dụ trong chiến tranh, một tiểu đoàn trưởng nếu thất bại có thể ảnh hưởng đến 500 người. Một sư đoàn trưởng thất bại ảnh hưởng đến 10.000 người. Một tư lệnh quân đoàn như bố của ông – Thiếu tướng Hoàng Đan, nếu thất bại sẽ gây ảnh hưởng đến hàng vạn người.

"Vì vậy, đã làm lãnh đạo, hãy nhớ không được thất bại. Tất nhiên, thất bại luôn xảy ra, nhưng lúc nào cũng phải có tinh thần suy nghĩ như vậy. Ba tôi nói rằng đã đi chiến đấu thì sự hy sinh là đương nhiên. Nhưng cứ mãi nghĩ đến chuyện hy sinh, sống chết thì chắc chắn không làm được gì cả. Chúng ta phải tạm quên đi, nghĩ đến mục tiêu cao hơn và sứ mệnh được giao để làm".

"Ngày xưa tổn thất là xương máu. Giờ là công sức, mồ hôi, trí tuệ, thậm chí cả hạnh phúc gia đình của những người nhân viên của mình. Vì vậy, khi ra quyết định người lãnh đạo phải nhìn trước được, dự cảm và đánh giá được", ông Tiến nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Chủ tịch FPT Telecom thừa nhận ông từng rất nhiều lần trải qua thất bại, cả về đời sống cá nhân, học tập và kinh doanh. Một câu chuyện nhiều người biết đến là ông tuy làm lớp trưởng lớp chuyên Toán Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam nhưng lại trượt đại học.

"Trong kinh doanh cũng không phải chúng tôi luôn thành công. Thực ra tôi nhớ từ hồi vào FPT, làm khoảng 10 việc chỉ có 5 việc thành công", ông kể lại.

Dành cho bạn

Trước vấn đề này, ông Tiến chia sẻ rằng mỗi lúc thất bại, ông luôn nghĩ đến những bài học tích cực, cố gắng luyện thói quen suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Bên cạnh đó, ông cho rằng thực ra nên tiếp thu bài học từ những người thất bại.

"Nếu học, nên học từ những người thất bại. Thành công không có mẫu số chung. Học từ người thành công rất khó, nhưng học cách tránh thất bại thì học được", ông nêu ý kiến.

Ông Tiến còn đề cập tới câu chuyện lãnh đạo tại Tập đoàn FPT. Năm 1998, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tổ chức một hội nghị để trình bày quyết tâm xuất khẩu phần mềm.

"Ngày ấy, câu chuyện đó vô cùng lạ lẫm. Trên thế giới lúc đó chỉ có Ấn Độ và nước này cũng mới bắt đầu làm. Ở FPT, chúng tôi luôn biết Chủ tịch Trương Gia Bình là người mơ mộng, luôn luôn có những ước mơ thậm chí viển vông", ông hồi tưởng.

"Nhưng với kinh nghiệm của chúng tôi, một điều kỳ lạ là lần nào những ước mơ có thể nói là viển vông của anh Bình đều thành hiện thực. Chúng tôi quyết tâm tin tưởng dù dựa trên tất cả những phân tích thế yếu thế mạnh, chúng tôi không có cơ hội đi ra nước ngoài nào. Giờ đây, chỉ mấy tháng nữa, FPT sẽ có hơn 30.000 người để làm công cuộc xuất khẩu phần mềm mà chúng tôi định ra vào năm 1998", ông Tiến cho biết.