Chị Hoài, nhân viên một công ty truyền thông ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết giật mình đi chợ sáng 29 Tết, nhiều loại thực phẩm ngày Tết, nhất là rau xanh tăng giá gấp rưỡi, gấp đôi vài ngày trước.
Khảo sát của VnExpress tại nhiều chợ nội thành Hà Nội, TP HCM hôm nay cho thấy, hầu hết thực phẩm Tết đều tăng giá. Riêng tại khu vực phía Bắc, Hà Nội, giá rau xanh tăng nhiều do thời tiết rét đậm, nguồn cung ít.
Hạnh, một tiểu thương tại chợ Hà Đông (Hà Nội), đi chợ đầu mối từ 1h sáng 29 Tết để mua hàng nhưng chị kể "nhiều loại rau đắt quá, lấy được rất ít". Chị cho biết, giá lấy buôn rau xanh hôm nay tăng 30-40%, có loại đắt thêm 50% so với ngày thường.
Các loại rau củ tăng giá nhiều nhất là su hào, súp lơ xanh, trắng, rau cần, cà chua... Su hào 13.000-15.000 đồng một củ; súp lơ xanh, súp lơ trắng 15.000-20.000 đồng một cây, trong khi ngày thường các loại rau củ này chỉ 7.000-10.000 đồng. Cà chua 30.000-35.000 đồng một kg; bắp cải 10.000-15.000 đồng một kg, tăng 2.000-5.000 đồng mỗi kg tuỳ chợ. Rau thơm cũng tăng giá khoảng 10-15%.
Hàng ngày mua thực phẩm nhiều, chị Hoài nhận thấy mặt bằng giá rau củ đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngày cận Tết. "Trời rét, nhu cầu tiêu thụ nhiều nên giá đẩy lên cao. Tôi chỉ mua vừa đủ chứ không tích quá nhiều, vì mùng 2 chợ lại bán bình thường", chị Hoài chia sẻ.
Giá cao nên bà Đặng, tiểu thương tại chợ Láng Hạ cũng chỉ dám nhập số lượng vừa phải để bán những ngày này. "Giá cao, nhập nhiều bán không hết, rau nhanh hỏng lại lỗ vốn", bà nói.
Giá rau xanh tại các chợ truyền thống ở Hà Nội tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường vì trời rét đậm, ngày 29 Tết. Ảnh: Phùng Minh
Trong khi rau xanh tăng giá mạnh, mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt bò, cá, thịt gà...) cũng đắt hơn 10-20% so với tuần trước.
Bán hàng ở chợ Hà Đông gần chục năm, anh Thông và vợ hôm nay tất bật bán không ngơi tay cho khách từ sáng tới gần trưa. Anh cho biết, từ hôm qua lượng người đi mua sắm thực phẩm Tết tăng vọt so với những ngày trước đó.
"Năm nào cũng vậy, ngày 28, 29 Tết người dân sẽ mua nhiều thực phẩm, tranh thủ trước khi về quê, chứ 30 Tết lại vắng. Hôm nay tôi lấy hàng tăng gấp rưỡi, mai chỉ lấy bằng hoặc ít hơn ngày thường vì chỉ bán tới trưa là nghỉ", anh chia sẻ.
Thịt bò tại các chợ truyền thống hôm nay tăng 10-20% lên 330.000-350.000 đồng mỗi kg thăn bò; bắp bò 350.000 đồng một kg, bắp hoa là 400.000 đồng...
Thịt thăn heo 120.000-130.000 đồng; ba rọi 110.000-120.000 đồng; sườn thăn heo, thịt chân giò dao động 130.000 đồng một kg, tăng 10.000-15.000 đồng so với thường ngày. Riêng thịt gà hôm nay đắt lên 150.000 đồng một kg. Gà lễ làm sạch, luộc chín giá 200.000-220.000 đồng một kg.
Tại TP HCM, giá thực phẩm, rau xanh, hoa tươi tại các chợ truyền thống cũng tăng giá, chủ yếu rơi vào nhóm hàng hóa người dân mua cúng rước ông bà.
Đi chợ truyền thống trên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP HCM), cô Thu Hương (60 tuổi) cho biết rau xanh tại chợ giá đang cao hơn ở siêu thị. Khổ qua mua để nấu mâm cúng rước ông bà tăng giá lên 40.000 đồng một kg, so với giá ngày thường là 25.000 đồng. Trong khi đó, thịt các loại tăng giá 30-40%.
Đậu que được các tiểu thương tại chợ Xóm Mới (TP Thủ Đức, TP HCM) bán lên 50.000 đồng một kg, khổ qua 40.000 đồng một kg, đắt gấp đôi so với ngày thường nhưng không có nhiều hàng đẹp để lựa chọn.
Thanh long cỡ lớn có giá bán 60.000 đồng một kg, tăng 25% so với trước Tết. Bưởi còn cuống để trưng Tết sáng nay cũng tăng giá gấp đôi so với ngày thường do khan hàng, 30.000-60.000 đồng một trái. Chuối xanh bày mâm ngũ quả dao động 50.000-70.000 đồng một nải chẵn quả; và khoảng 150.000-200.000 đồng một nải lẻ 15 hoặc 21 quả.
Dành cho bạn
Chuối xanh, bưởi vàng bày mâm ngũ quả tăng giá ngày giáp Tết, ngày 29 Tết. Ảnh: Phùng Minh
Bà Mỹ, tiểu thương tại chợ Xóm Mới cho hay, hôm 27 Tết, hoa ly 200.000 đồng một bó tại chợ đầu mối nhưng sáng nay đã tăng lên 250.000 đồng. Do giá hoa quá đắt đỏ, bà không dám lấy về vì sợ khách chê, giá cao khó bán.
Bà Trọng mua bình bông cúc lưới sáng nay vọt lên giá 100.000 đồng, tăng giá gấp đôi so với trước Tết, nhưng không có nhiều hàng để chọn lựa.
Thịt heo cũng tăng giá mạnh. Bà Trọng kể mua nửa kg thịt ba rọi rút sườn sáng nay có giá 120.000 đồng, trong khi ngày thường chỉ 60.000 đồng. Thịt vụn xay dùng để nấu canh sáng nay tăng giá 30% so với ngày thường.
Các tiểu thương lý giải, do chợ đầu mối đều tăng giá hàng hóa đầu nguồn, nhiều nhà cung cấp sẽ nghỉ Tết từ trưa mai, nguồn cung hàng hoá tươi sống, trái cây, rau xanh về các chợ những ngày giáp Tết ít hơn, vì vậy giá tăng mạnh.
Khác với các thành phố lớn với giá rau đắt đỏ, các địa phương có thế mạnh nông nghiệp giá lại ổn định. Anh Minh Thiện (35 tuổi) đi chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp) sáng 29 Tết cho hay rau xanh giá gần như ngày thường, chỉ có hoa và thịt là tăng giá.
"Giá ba rọi heo ngày thường 160.000 đồng mỗi kg thì sáng nay tôi mua 220.000-250.000 đồng mỗi kg. Riêng hoa tăng giá rất cao, với giá hoa ly tăng 200%", anh Thiện nói.
Ở kênh siêu thị giá bình ổn không tăng, thậm chí nhiều loại thực phẩm, trái cây, rau củ còn được khuyến mãi, giảm giá.
Ghi nhận tại một siêu thị Coopmart tại quận Hà Đông (Hà Nội) giá thực phẩm và rau xanh, trái cây thắp hương ngày Tết đều bình ổn, thậm chí giảm giá theo chính sách kích cầu tiêu dùng dịp Tết. Dưa lưới giống Nhật 67.500 đồng, giảm 8.000 đồng mỗi kg, dưa hoàng kim cũng giảm 7.500 đồng mỗi kg về còn 57.500 đồng.
Các loại trái cây bày mâm ngũ quả giá cũng bình ổn, 30.000 - 32.000 đồng một trái bưởi diễn vàng, chuối xanh 32.000 đồng một kg, dưa hấu 28.000 đồng một kg...
Còn tại siêu thị Winmart trên đường Đồng Văn Cống (Quận 2, TP HCM) hàng hóa bình ổn, không tăng giá so với ngày thường. Thậm chí, các mặt hàng rau củ tại cửa hàng Winmart tại khu vực này giảm giá 50% theo chính sách kích cầu của nhà bán lẻ này.
"Tôi nghĩ người có điều kiện nên mua thực phẩm sớm một tuần, đồ tươi sống thì sớm 2-3 hôm trước sẽ đỡ hơn chứ có lương trễ mà hôm nay mới mua thì tốn thêm nhiều chi phí", cô Hương (quận 4, TP HCM) nói.
Các siêu thị sẽ mở cửa hết ngày hôm nay (29 Tết) và nửa ngày mai, tức là 30 Tết, rồi đóng cửa nghỉ Tết. Mùng 2 đến mùng 4 Tết sẽ bán hàng trở lại.