Ngành chăn nuôi gia cầm đang đối mặt với khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Ảnh: Nguyên Huân.

Ngành chăn nuôi gia cầm đang đối mặt với khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo Cục Chăn nuôi, quý 1/2021, đàn gia cầm tương đương cuối năm 2020, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 420.000 tấn, tăng 5,2%, trứng ước đạt 4,3 tỷ quả, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý 1 vừa qua, giá gà giống tại miền Bắc, miền Trung giảm từ 12% - 20%, dao động 5.500 đồng - 6.400 đồng/con, trong khi gà giống ở miền Nam lại tăng từ 21 - 40%, dao động 5.500 đồng - 6.400 đồng/con.

Cục Chăn nuôi dự báo, giá các sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng vào thời điểm từ tháng 5 - 7/2021, bởi nguồn cung thiếu do lượng con giống đưa vào chăn nuôi thương phẩm trong quý 1/2021 của các loại gia cầm nuôi thịt giảm gần 50% so với quý 4/2020, lượng thức ăn gia cầm giảm khoảng 40%.

Quả thực, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo hầu hết các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đều khẳng định, từ lượng cám và thuốc bán ra có thể khẳng định tổng đàn gia cầm đã sụt giảm 40 - 50% so với cùng kỳ 2020 do thua lỗ triền miên khiến người chăn nuôi không giữ nổi nghề.

Ông Phạm Đắc Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Toàn Thắng (Toan Thang Eco Vet) cho biết, so với cùng kỳ 2020, doanh số bán vacxin, thuốc và thực phẩm bổ sung của doanh nghiệp này với mảng gia cầm giảm bình quân 60 - 62% khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn, đặc biệt khi làn sóng Covid-19 thứ 4 ập đến.

Bớt thê thảm hơn, ông Bạch Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thú y Xanh (Greenvet) chia sẻ, số liệu bán hàng gần nhất của doanh nghiệp, doanh số vacxin, thuốc thu y và thực phẩm bổ sung của Greenvet giảm 40% đối với mảng gia cầm. Rất may, doanh số mảng heo của Greenvet tăng trưởng 15% nên bù đắp được phần nào.

Theo ông Nguyễn Đức Phong, Giám đốc Công ty TNHH Nasaco Hà Nam, sản lượng thức ăn chăn nuôi mảng gia cầm tháng 4 của doanh nghiệp hiện giảm xuống dưới 50%, trong khi cùng kỳ năm 2020, cơ cấu, doanh số thức ăn gia cầm của Nasaco luôn duy trì ở mức trên 60% so với thức ăn chăn nuôi cho heo.

Những tháng gần đây không ít nhà máy thức ăn chăn nuôi đã phải dừng hoạt động hoặc không xuất hiện công nợ trên báo cáo tài chính, đặc biệt, nhiều nhà máy thức ăn chăn nuôi trong tháng 4, tháng 5 gần như không bán được cám gà 1 (cám gà con), biểu hiện rõ nhất cho sự khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Ông Lê Thành Sự, Giám đốc HTX Chăn nuôi Đỗ Sơn (Thanh Ba, Phú Thọ) lo lắng, suốt từ năm 2019 đến nay người nuôi gia cầm lông màu phải “bán máu” ăn dần do ảnh hưởng của 3 đợt dịch Covid-19 khiến các hộ chăn nuôi từ nhỏ đến lớn teo tóp dần theo từng tháng.

Nay giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt tới 7 lần khiến bà con chăn nuôi như ngồi trên đống lửa bởi giá gà thịt chỉ mới nhúc nhích lên được vài ba giá thì Covid-19 lại bất ngờ ấp đến đã dập tắt tất cả.

Dành cho bạn

Hiện cám gà con tăng từ 290.000 - 300.000 đồng/bao lên 350.000 - 360.000 đồng/bao, cám gà thường tăng là 210.000 - 220.000 đồng/bao lên 260.000 - 270.000 đồng/bao khiến người chăn nuôi phần lớn không dám vào đàn vì nguy cơ thua lỗ nhìn thấy ngay từ khi vào gà.

Tuy nhiên, anh Lê Thành Sự vẫn hy vọng đây chính là đáy của chu kỳ ngành chăn nuôi gia cầm nên hiện HTX của Đỗ Sơn vẫn cố gắng vay mượn để cấp giống, vốn cho các xã viên trong HTX duy trì nghề chăn nuôi gà lông màu và chờ mong “một ngày mai tươi sáng”.

Với việc sụt giảm mạnh tổng đàn, quy mô quý 1 và 2, rất có thể cuối năm 2021 xảy ra nguy cơ khan hiếm thịt gia cầm. Ảnh: Nguyên Huân.

Với việc sụt giảm mạnh tổng đàn, quy mô quý 1 và 2, rất có thể cuối năm 2021 xảy ra nguy cơ khan hiếm thịt gia cầm. Ảnh: Nguyên Huân.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, chưa bao giờ ngành gia cầm gặp khó khăn, khốn đốn về thị trường như thời gian qua và thời điểm hiện nay, người chăn nuôi phải luôn gồng mình gánh lỗ.

Do sự tăng đàn ồ ạt cuối năm 2019 và đầu năm 2020 để bù đắp sự thiếu hụt về thịt lợn bởi ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi, cùng với sự gia tăng sản lượng thịt gà nhập khẩu (trên 200.000 tấn), trong khi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng cầu đã giảm mạnh, khiến suốt năm 2020 sang quý 1/2021, giá sản phẩm gia cầm luôn đứng ở mức thấp, thậm chí bán dưới giá thành.

Có thời điểm giá gà công nghiệp trắng chỉ ở mức từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà thịt lông màu cũng biến động lớn và luôn ở mức thấp hơn so với các năm trước, bình quân giao động trong khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg, gần đây mới tăng lên được 50.000 đồng/kg. Giá vịt thịt bình quân năm 2020 chỉ ở mức từ 23.000 - 28.000 đồng/kg ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Do giá bán sản phẩm luôn đứng ở mức thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, vì vậy, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi đã giảm đàn mạnh hoặc treo chuồng.

Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, với đà giảm đàn như hiện nay, có khả năng sang quý 3 và 4 năm nay sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt, trứng gia cầm cầm trong nước, dẫn tới nguy cơ sản phẩm thịt gà nhập khẩu sẽ gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người chăn nuôi mà còn có tác động đến an ninh thực phẩm.

Tất nhiên, người chăn nuôi và doanh nghiệp đang phải tự cứu lấy mình trước khi bị phá sản, nhưng ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, đã đến lúc, các Bộ, ngành cần nhìn nhận lại ngành gia cầm cũng như cần có một chính sách vĩ mô ổn định để ngành gia cầm của Việt Nam phát triển thực sự bền vững và hiệu quả.