Sản xuất, tiêu dùng trong năm 2023 sẽ khó khăn hơn thế nào? - Ảnh 1.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm 2023 được dự báo sẽ nhiều khó khăn hơn - Ảnh: TL

Chiều 9-1, tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành công thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết năm 2022 dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành công thương TP đã có sự phục hồi ngoạn mục. 

Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.089.446 tỉ đồng, tăng 30,5% so với năm 2021.

Trong năm 2023, xác định doanh nghiệp vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, như sức mua giảm ở các thị trường xuất khẩu nên ảnh hưởng đến một số ngành, doanh nghiệp phải ngừng hoặc điều chỉnh quy mô sản xuất. 

Vì vậy, mục tiêu phấn đấu của ngành là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12% so với dự ước năm 2022.

Các mục tiêu đặt ra dựa trên những khó khăn chung như khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn khó, chi phí nguyên vật liệu tiếp tục tăng. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khắc phục. Ngoài ra, chi phí trong logistics tương đối lớn mà doanh nghiệp phải đối diện cùng những khó khăn tiềm ẩn khác.

Theo ông Vũ, để đạt mục tiêu đề ra, sở sẽ thực hiện các nhóm giải pháp chính, thúc đẩy công nghiệp phát triển, trong đó khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi số và sản xuất xanh. 

Cùng với đó, sở tăng cường kết nối doanh nghiệp và ngân hàng, tạo cầu nối hai bên gặp nhau để doanh nghiệp có những điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Tiếp tục phát triển thị trường và bình ổn thị trường.

Đầu tư chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong logistics để giảm chi phí, triển khai các trung tâm hoạt động logistics trên địa bàn TP và bổ sung quy hoạch kêu gọi đầu tư để sớm hình thành các trung tâm logistics.

Dành cho bạn

Mục tiêu của Sở Công Thương là đảm bảo các hoạt động để duy trì nguồn cung ứng năng lượng, điều hành hoạt động xăng dầu theo nhiệm vụ chức trách một cách thuận lợi, hiệu quả nhất.

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM - đề xuất trong năm 2023 thành phố tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua tổ chức nhiều chương trình đưa hàng hóa đến các tỉnh, thành và ở chiều ngược lại tổ chức liên kết vùng với các địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất lớn.

"Đặc biệt phát triển kho lạnh, kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu là những đề án quan trọng trong chương trình phát triển ngành chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2021 - 2030", bà Chi nói.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho rằng dự báo với tình hình năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. 

Ông Hoan đề nghị ngành công thương TP tập trung nguồn lực cho công tác nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Đặc biệt, các chính sách về kích cầu đầu tư vào công nghiệp, hỗ trợ kết nối ngân hàng...

Tiếp tục triển khai mạnh mẽ hợp tác thương mại với các tỉnh, thành nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, đảm bảo cân đối cung cầu...