Viện Khảo cổ học, Trung tâm bảo tồn di tích TP HCM, và Bảo tàng Lịch sử TP HCM vừa công bố kết quả khai quật di tích Giồng Cá Vồ lần thứ hai. Theo đó, sau 10 tháng khai quật (15/1- 21/10/2021) các nhà khảo cổ phát hiện 224 mộ chum, 15 mộ đất và các di vật được tuỳ táng cùng như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, lá vàng, vòng tay đá quý, các hạt chuỗi đá thủy tinh, hiện vật gốm hình tù và, bình, bát gốm, di cốt....
Giồng Cá Vồ (ấp Hoà Hiệp, xã Long Hòa) nằm trong hệ thống 26 di tích ở rừng ngập mặn Cần Giờ, cách trung tâm TP HCM gần 60 km được phát hiện hơn 30 năm trước. Đây là một giồng đất đỏ, cao hơn bề mặt xung quanh khoảng 1,5 m, nằm ở tả ngạn sông Hà Thanh và được bao quanh bởi rừng ngập mặn. 28 năm sau lần khai quật đầu tiên (1994), di tích này mới được khai quật trở lại.
Mặt bằng hiện trạng các di tích mộ táng trong hố đào khi khai quật di tích Giồng Cá Vồ lần hai, năm 2021. Ảnh: Viện Khảo cổ học
TS Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học - đơn vị chủ trì khai quật, cho biết mộ chum là loại hình mai táng mà người chết được đặt thi thể hoặc di cốt vào trong chum (lu) bằng gốm đất nung, đường kính trung bình 40-70 cm. Đây là đặc trưng lớn nhất, mang tính định hình của văn hóa Sa Huỳnh, phát triển cực thịnh vào khoảng 2.500-2.000 năm cách ngày nay, phân bố chủ yếu ở miền Trung Việt Nam.
Cũng theo nhà khảo cổ này, việc sử dụng các chum gốm để chôn người chết cho thấy sự thay đổi rõ rệt về hình thức mai táng. Trước đó, người chết được chôn trong huyệt đất, không có quan tài và thường chôn ngay tại nơi cư trú. Đến giai đoạn này, quan niệm về thế giới người chết có vẻ linh thiêng hơn nên người xưa đã dùng các chum gốm làm quan tài, chôn theo nhiều đồ tùy táng, sau đó đặt chung ở một khu vực, giống như nghĩa trang ngày nay.
Trên cơ sở tư liệu địa tầng, đặc điểm di tích, di vật và kết quả phân tích niên đại tuyệt đối, nghiên cứu so sánh, các nhà khảo cổ học nhận định niên đại giai đoạn sớm nhất của di tích Giồng Cá Vồ khoảng 2.300-2.200 năm cách ngày nay. Riêng lớp mộ táng (mộ chum và mộ đất) có niên đại muộn hơn, khoảng thế kỷ 1-3.
TS Đối nhận định Giồng Cá Vồ thuộc dạng di tích tiền - sơ sử, thể hiện sự giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau. Đầu tiên, di tích này mang các yếu tố bản địa của văn hóa Đồng Nai, sau đó chịu ảnh hưởng mạnh của văn hoá Sa Huỳnh, thể hiện ở cách chôn người chết trong chum gốm, cùng các di vật như khuyên tai hai đầu thú, khuyên ba mấu, hạt chuỗi bằng đá hoặc thuỷ tinh. Ngoài ra, di tích này còn có những nét văn hoá của cư dân hải đảo thuộc truyền thống Sa Huỳnh - Kalanay, và phảng phất yếu tố văn hóa Đông Sơn và văn hóa Hán.
"Có thể nói đây là một trung tâm hội tụ yếu tố văn hoá của nhiều nơi khác nhau, tạo ra bản sắc văn hoá quốc gia và quốc tế", ông nói và giải thích do đây là vùng cửa sông Đồng Nai, tiếp cận với biển nên địa thế rất thuận lợi cho giao thông thuỷ - bộ, một điểm giao lưu hội tụ văn hóa đa chiều giữa đất liền và hải đảo.
Hình ảnh mộ chum khi vừa được khai quật. Ảnh: Viện Khảo cổ học
Để bảo tồn những di tích đã phát hiện, nhóm khai quật dùng keo làm cứng các mộ chum, tránh bị vỡ, và xử lý trong lòng mộ xem có xương cốt hay di vật tuỳ táng chôn theo không. Hầu hết di tích đang được giữ tại chỗ, với mục tiêu xây dựng một "bảo tàng ngoài trời" tại huyện Cần Giờ. Cách làm này được cho vừa giữ nguyên vẹn di tích, thấy rõ toàn bộ sự phát triển qua từng giai đoạn, vừa giúp quá trình khai quật các di tích còn lại dễ dàng hơn.
Dành cho bạn
TS Đối đánh giá với lượng di chỉ dày đặc và có giá trị lớn, Giồng Cá Vồ hoàn toàn đủ tiềm năng để phát triển thành điểm du lịch giống như Hoàng Thành Thăng Long tại Hà Nội - nơi người dân có thể tham quan, và nhà khảo cổ vẫn có thể khai quật. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khu di tích này chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có hàng rào bảo vệ, bến thuyền riêng hay đường dẫn vào. Chưa kể, người dân vẫn canh tác, trồng trọt trên giồng đất đỏ này.
"Nếu không bảo vệ nguy cơ người dân đào phá sẽ ảnh hưởng đến di tích phía dưới, chúng tôi khai quật cũng khó khăn. Đôi khi đường vào di tích bị người dân cản trở, nhóm khai quật phải xin kiểm lâm mở đường rừng để đi tắt", ông nói và cho biết vẫn còn hàng nghìn m2 tại di tích Giồng Cá Vồ chưa được khai quật.
Hiện trường khai quật mộ chum tại Giồng Cá Vồ lần hai, năm 2021. Ảnh: Lương Chánh Tòng
Về phía địa phương, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho biết huyện đã có dự án xây dựng tường rào và đường dẫn vào di tích. Việc giải phóng mặt bằng chỉ ảnh hưởng 6 hộ dân, đều là đất canh tác, và UBND huyện đã hoàn thành phương án giá đền bù. Ngoài ra, các vướng mắc pháp lý đối với việc quản lý tại Giồng Cá Vồ đang được huyện tổng hợp để báo cáo UBND thành phố giải quyết.
Theo kế hoạch, dự án sẽ bồi thường trong tháng 10, sau đó xây dựng đường dẫn và tường rào. Kinh phí thi công dự kiến 1,7 tỷ đồng. Song song đó, Sở Văn hoá và Thể thao TP HCM sẽ thực hiện dự án khu nhà trưng bày và tham quan di tích này. "Sau khi hoàn thành, huyện sẽ đưa di tích Giồng Cá Vồ vào danh sách điểm đến du lịch, nhằm bảo tồn tại chỗ kết hợp trưng bày và phục vụ tham quan", ông Xuân nói.
Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP HCM, di tích Giồng Cá Vồ được phát hiện lần đầu tiên năm 1993 bởi người dân địa phương. Khi canh tác, trồng trọt, họ thấy có nhiều mảnh gốm, di cốt người nên đã báo chính quyền. Trong lần khai quật đầu tiên năm 1994 trên diện tích 230 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm mộ chum cùng đồ tuỳ táng. Sáu năm sau, di tích này được lập hồ sơ khoanh vùng 29.000 m2 để bảo vệ.
Di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận năm 2000, thuộc nhóm di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia cần được bảo vệ. Nhiều di vật được khai quật tại Giồng Cá Vồ năm 1994 đang được trưng bày tại các bảo tàng: Lịch sử quốc gia (Hà Nội), Lịch sử Việt Nam (TP HCM); Lịch sử - Văn hóa Nam bộ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM) để minh chứng cho giai đoạn phát triển tiền - sơ sử trước Công nguyên.