Người phụ nữ 42 tuổi, quê Quảng Trị kể, thằng bé nghe mẹ trả lời, không nói gì chỉ thở dài rồi cắm cúi ăn tiếp. Có vẻ nó biết rõ lý do vì đã ba năm rồi nhà nó không về quê ăn Tết.

Chị Nguyễn Thị Thu Sương làm công nhân may, lương 4 triệu đồng một tháng. Ở nhà máy, người ta gọi đó là ''lương chết'' vì không có cơ hội tăng thêm. Năm nay số ngày nghỉ của chị ngang ngửa ngày đi làm. Chị nhận may thêm ở nhà, chồng đi bán hàng rong, thu nhập bập bõm. Tiền kiếm được phải chi thuê phòng 1,5 triệu đồng, tiền học cho hai đứa con và "trăm khoản chi hàng ngày nữa".

"Đời công nhân làm tháng nào ăn tháng đó chứ chẳng dư giả. Nhiều khi tôi phải vay mượn để xoay xở", chị tâm sự.

Tết gần tới nhưng chị chưa biết có được thưởng hay không. Không có tiền tiết kiệm, chị chọn ở lại thêm năm nữa. ''Hai năm trước dịch không đủ tiền về. Năm nay nghĩ cố làm để các con được về ăn Tết cùng ông bà, nhưng người tính không bằng trời tính. Kiếm đồng tiền khó còn hơn trong dịch'', nữ công nhân đang ở trọ tại TP Thủ Đức, nói.

Hè vừa rồi, vợ chồng chị Thu Sương cũng tính cho các con về chơi với ông bà. Nhưng công ty khó khăn, thu nhập bập bõm, chị lại ''cố chờ đến Tết''. ''Bao lần thất hứa với con. Thương con, thương cha mẹ già, nhưng mình nghèo, biết tính làm sao'', chị nói.

Chị Thu Sương khóc, khi không thể về quê ăn Tết vì kinh tế khó khăn, hôm 30/12. Ảnh: Minh Tâm

Chị Thu Sương khóc, khi không thể về quê ăn Tết vì kinh tế khó khăn, hôm 30/12. Ảnh: Minh Tâm

Chị Sương có lẽ không phải trường hợp duy nhất. Thống kê chưa đầy đủ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến tháng 11, cả nước có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm tăng khá mạnh. Cụ thể, TP HCM tăng gần 26%, Bình Dương 39,1%, Đồng Nai tăng 54,7%, Tiền Giang tăng 66,5%. Tại Hà Nội, 10 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận hơn 61.400 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

PGS Nguyễn Đức Lộc, Viện Đời sống xã hội (Social Life) cho biết, trong thời kinh tế khó khăn, người lao động có nhiều cách ứng xử khác nhau. Có nhóm chọn về quê sớm để tìm việc, kiếm thêm thu nhập, nhóm khác giống như chị Sương, cố ở lại để giữ việc và kiếm việc làm mới. Nhóm còn lại đã nghỉ làm nhưng chờ đợi để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia như ông Lộc nhận thấy có một nghịch lý là những người chọn về quê thường là người trẻ, khoảng 30 tuổi, có nhiều lựa chọn công việc hơn và là nhóm lao động các doanh nghiệp cần tuyển thêm. "Trong khi nhóm lao động lớn tuổi cố trụ lại không có nhiều lựa chọn", ông nói.

Chị Lệ, thái thịt bò trong nhà trọ ở TP Thủ Đức, chuẩn bị mang bán, hôm 30/12. Ảnh: Minh Tâm

Chị Lệ, thái thịt bò trong nhà trọ ở TP Thủ Đức, chuẩn bị mang bán, hôm 30/12. Ảnh: Minh Tâm

Không phải công nhân nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ, 36 tuổi, ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức cũng lao đao. Chị có quán bún ở cạnh khu công nghiệp, chuyên bán cho công nhân, thu nhập trồi sụt theo lương của khách. Tết này, vợ chồng chị cũng ăn Tết Sài Gòn.

''Khách của tui chủ yếu công nhân, mà cuối năm người bị mất việc, người giảm việc làm, thì tiền đâu mua bún'', chị nói. Hồi đầu năm, hết dịch, công nhân đổ về các khu công nghiệp, mỗi ngày, vợ chồng chị "bê bún cho khách thôi cũng mệt", vài tiếng buổi sáng bán được cả trăm tô. Nhưng càng về giữa năm, công nhân mất việc, giảm giờ làm nhiều, tô bún trở thành thứ xa xỉ, khách của quán giảm quá nửa. Chị Lệ phải mở tiệm tạp hóa ở phòng trọ, nhận đồ về may thêm. Nhưng tổng thu của hai vợ chồng năm nay chỉ đủ chi phí hàng ngày, dư không bao nhiêu.

"Những năm trước, mua ba vé xe khứ hồi hết gần 10 triệu, thêm tiền quà bánh cho gia đình, tổng gần 30 triệu đồng. Năm nay tui chẳng buồn nhìn giá vé nữa'', chị Lệ nói.

Bức tranh tài chính của gia đình chị vốn không quá ảm đạm so với nhiều người, nếu chỉ vì bán buôn trồi sụt. Cuối năm ngoái, bão quét qua ngôi nhà mái tôn của vợ chồng chị ở quê. Họ phải vay mượn 60 triệu đồng sửa nhà. Năm nay, tích góp được đồng nào, anh chị dồn cả vào trả nợ.

Dành cho bạn

Tối qua, chị gọi cho bố mẹ thông báo ''xuân này con không về''. Người thân động viên sang năm về, nhưng với tình hình hiện tại, Lệ không chắc còn bao lần ăn Tết xa quê.

Anh Tý làm nghề sơn tường, thu nhập bập bõm dù đã hết dịch. Ảnh nhân vật cung cấp

Anh Tý làm nghề sơn tường, gần một năm nay công việc và thu nhập bập bõm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm nay, những lao động tự do như Đỗ Anh Tý, một thợ sơn nước quê Mộ Đức, Quảng Ngãi, cũng cảm nhận rõ tác động tiêu cực của kinh tế. ''Một tuần nay tui mới được đi làm lại đây", anh kể chuyện khi đang làm việc trong căn nhà hai tầng vừa hoàn thiện.

Cuối năm ngoái, khi Sài Gòn mở cửa trở lại, nghề sơn nước của anh làm không hết việc. Tết đến, anh còn dư vài chục triệu đồng. Nhưng quê nhà còn chính sách cách ly, anh không về được. Năm nay không có cách ly, không có phong tỏa nhưng việc làm lại ít hẳn. "Tui chỉ đều việc được khoảng 3 tháng, còn lại là đi làm linh tinh đủ tiền nhà trọ với đóng học cho các con'', anh nói.

Vợ chồng anh Tý vẫn còn đủ ba mẹ, đông anh em họ hàng, nhưng đây là năm thứ tư không về quê. ''Tui vẫn có khoảng 7-8 triệu, thừa tiền xe. Nhưng có phải chỉ về không đâu, còn nhiều khoản phải chi lắm'', anh bấm ngón tay kể.

Một tháng trước, anh vẫn nung nấu ý định về quê, nên tìm hiểu các loại chi phí. Nghe nói giá máy bay Tết năm nay đắt gấp đôi năm trước, anh Tý không buồn hỏi kỹ. Vé xe khách khứ hồi cho cả nhà cũng mất 4 triệu đồng, bằng một nửa khoản tiền anh có cho Tết. ''Thôi cả nhà đón Tết phòng trọ thêm một năm nữa'', anh nói với vợ, con.

Bốn năm ăn Tết xa nhà, anh Tý thấy bình thường. "Nhưng đêm giao thừa thì hơi khác. Cảm giác đó nó khó nói lắm... Nhà trọ người ta về hết còn ai đâu'', anh chùng giọng.

PGS Nguyễn Đức Lộc cho hay các dự báo kinh tế vĩ mô đều cho thấy, kịch bản lạc quan nhất phải ít là 6 tháng, nếu tệ phải một năm nữa kinh tế mới phục hồi. Tuy nhiên, khó khăn này, nhìn ở một tâm thế khác thì có thể xem là cơ hội để cơ cấu lại lao động một cách tổng thể.

"Cần lên bài toán chiến lược, trước nhất là đảm bảo an sinh xã hội, thứ hai là củng cố và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nội địa theo hướng bền vững phù hợp với tình hình mới, thứ ba là khuyến khích người lao động tham gia đào tạo lại để dễ góp mặt vào chiến lược phát triển kinh tế mới", ông nói.

Chuyên gia kiến nghị cần có chính sách đào tạo lại để người lao động thích ứng với những biến đổi nhất là những lao động lớn tuổi không thích ứng kịp những thay đổi xu hướng công việc hiện tại. Khi đó, dù mất việc, họ có cơ hội được học nghề mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Ngoài các luật Lao động, luật Bảo hiểm, nhà chức trách nên xây dựng luật trợ giúp xã hội, có quỹ dự phòng an sinh xã hội, tránh tình trạng người chưa đến tuổi hưu đã hết tuổi nghề mất việc, không thể tìm việc mới.

Sau những nhọc nhằn mưu sinh, lo toan kinh tế, anh Tý, chị Lệ, chị Thu Sương vẫn tin họ may mắn vì có sức khỏe, có gia đình ở bên cạnh trong ba ngày Tết.

''Còn nhiều cảnh khổ hơn như công nhân mất việc, những ông bà già lọm khọm đi bán vé số, ngủ gầm cầu, những đứa trẻ ốm đau nằm viện... Phải nhìn vào họ để có động lực mà vươn lên'', anh Tý nói nhưng thực ra đang nhắc nhở mình.