Trường hợp trên là bệnh nhân (BN) nam 18 tuổi, quê Vĩnh Phúc, đến khám tại Bệnh viện (BV) đa khoa Medlatec (Hà Nội).
Trao đổi với bác sĩ (BS), BN này cho hay khoảng 2 tuần trước khi đến BV, BN sốt cao, 39 - 40 độ C, vùng bìu có xuất hiện nốt, sau đó tạo thành vết loét, kèm nổi hạch đau vùng bẹn trái, đồng thời đau đầu, đau mỏi người và đi ngoài phân lỏng nước. BN đã đi khám tại cơ sở y tế gần nhà, được chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu, kê đơn kháng sinh. Tuy nhiên, sau 5 ngày dùng thuốc, các dấu hiệu không thuyên giảm.
Vết loét điển hình ở bệnh nhân sốt mò (trái) và hình ảnh con bọ ve đốt, có thể truyền bệnh sốt mò
Tại BV đa khoa Medlatec, trực tiếp điều trị ca bệnh, BS Trần Tiến Tùng, chuyên khoa Truyền nhiễm, cho biết BN bị sung huyết nhẹ trên da, môi khô, vùng bẹn trái có 2 hạch kích thước xấp xỉ 1 cm, ấn đau nhẹ; vết loét vùng dưới bìu trái có kích thước xấp xỉ 1 cm, đáy vết loét màu hồng, không chảy dịch. BN được làm các xét nghiệm chẩn đoán phân biệt với các nhiễm khuẩn thông thường khác. Kết quả xét nghiệm PCR của BN dương tính với Rickettsia gây bệnh sốt mò. Rickettsia là họ vi khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc (sống trong tế bào). Dựa vào chẩn đoán xác định cùng với kinh nghiệm chuyên môn, bác sĩ kê đơn thuốc điều trị bệnh sốt mò cho BN, và BN đã cắt sốt hoàn toàn sau 3 ngày.
Theo TS Ngô Chí Cương, chuyên khoa Truyền nhiễm, BV Medlatec, đây là trường hợp xuất hiện sốt cao đã tìm chính xác nguyên nhân và điều trị thành công. Bởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sốt mò có thể chuyển nặng di chuyển vào não, phổi gây viêm não, viêm phổi.
Nguyên nhân gây bệnh sốt mò
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm, sốt mò còn có tên gọi là Rickettsia tsutsugamushi. Bệnh truyền sang người do rận, chấy, ve, ấu trùng mò, bọ chét đốt. Ở đa số BN sốt mò, vết loét là dấu hiệu điển hình của bệnh.
BS Trần Tiến Tùng tư vấn: Nếu người dân có yếu tố dịch tễ và xuất hiện vết loét bất thường trên da, cần đi kiểm tra để chẩn đoán xác định có phải nguyên nhân do sốt mò hay không. Với sốt mò, vết loét ngoài da là dấu hiệu đặc hiệu thường có hình bầu dục, kích thước từ 0,5 - 2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch. Các vết loét thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm hoặc nếp gấp như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng, bìu… Những trường hợp có chẩn đoán sốt mò cần tuân thủ điều trị phác đồ 14 ngày, vì nếu thấy triệu chứng cắt sốt mà bỏ điều trị giữa chừng, bệnh có nguy cơ quay trở lại.
Để phòng tránh bệnh sốt mò, những việc cần làm là: phát quang bụi rậm quanh nhà, dọn sạch cỏ dại; phun thuốc diệt ấu trùng mò; diệt chuột và các loài gặm nhấm. Khi đi vào vùng rừng núi hoặc vùng cây cối rậm rạp, cần mặc quần dài, áo dài tay, mang bao tay, che kín cơ thể. Không nằm trên bãi cỏ hay vùng đất ẩm. Không phơi quần áo trên bãi cỏ, tránh ấu trùng mò bám vào.
Dành cho bạn
Bệnh sốt mò (hay còn gọi là sốt do ấu trùng mò) là bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian - ấu trùng mò; mò vừa là vật chủ vừa là véctơ truyền bệnh; người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác.
Nốt loét đặc trưng của bệnh sốt mò thường xuất hiện ở vùng da mềm, ẩm, như: bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai, rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt).
Nốt loét không đau, không ngứa; người bệnh thường chỉ có một nốt, hiếm khi có 2 - 3 nốt; hình tròn/bầu dục đường kính 0,1 - 2 cm; nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ, sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành một nốt có vảy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da; sau một thời gian, vảy bong để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không mủ, không tiết dịch.
Nốt loét gặp ở 65 - 80% trường hợp. Khoảng hơn 30% BN sốt mò không rõ nốt loét đặc trưng.
Nếu được điều trị bằng kháng sinh thích hợp, sẽ cắt sốt nhanh. Nếu can thiệp muộn hoặc không hiệu quả, có thể có biến chứng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não. Tái phát thường sau 5 - 14 ngày do mầm bệnh vẫn tồn tại trong các hạch.
(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)