"Cúm cà chua" được xác định lần đầu ngày 6/5, đến nay đã lây nhiễm cho 82 trẻ em, tất cả đều dưới 5 tuổi, theo báo cáo trên Tạp chí Y khoa Lancet ngày 17/8. Tình trạng này được đặt tên theo triệu chứng ngoài da của các bệnh nhân.

Các em đều nổi loại mụn nước đỏ trên cơ thể. Virus cũng gây sốt và đau nhức khớp. Các triệu chứng khác gồm nôn mửa, tiêu chảy, mất nước. Một số trường hợp, dù hiếm gặp, bị thay đổi màu sắc ở chân và tay.

"Ngay khi chúng ta đang đối phó với làn sóng Covid-19 thứ 4, một loại virus mới gọi là cúm cà chua xuất hiện tại bang Kerala. Bệnh hiếm gặp, đang trong tình trạng lưu hành, không nguy hiểm đến tính mạng", Lancet đưa tin và khuyến cáo "từ các kinh nghiệm đối phó với Covid-19, chúng ta nên cảnh giác để ngăn chặn các đợt bùng phát tiếp theo".

Theo Subhash Chandra, phó giáo sư nội khoa tại Bệnh viện Amrita, đây không phải là căn bệnh gây tử vong, song nó dễ dàng lây lan từ người này sang người khác.

Trẻ em nhiễm cúm cà chua thường có phát ban giống với chân tay miệng. Ảnh: NY Post

Trẻ em nhiễm cúm cà chua thường có phát ban giống với chân tay miệng. Ảnh: NY Post

Dành cho bạn

Đến nay, virus đã xuất hiện tại quận Kollam của Kerala, Ấn Độ và các khu vực lân cận như Anchal, Aryankavu và Neduvathur. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cà chua cao nhất, vì virus phổ biến ở nhóm tuổi này, thường lây qua tiếp xúc gần. Trẻ cũng dễ nhiễm bệnh khi sử dụng tã lót, chạm tay và bề mặt không sạch, đưa đồ vật trực tiếp vào miệng.

Theo các chuyên gia, hiện chưa có thuốc điều trị hoặc vaccine ngăn ngừa cúm cà chua. Phó giáo sư Chandra khuyến cáo bệnh nhân bị cúm cà chua nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi trên giường, cách ly từ 5 đến 7 ngày. Cách điều trị này giống với các bệnh sốt siêu vi khác.

Các nhà khoa học cho biết virus rất dễ lây lan, có nhiều điểm tương đồng với bệnh chân tay miệng. Do đó, nếu giới chức không kiểm soát cúm cà chua ở trẻ em, virus có thể lây lan mạnh và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi đã lưu hành cả ở người lớn.