Bà ngoại của bác sĩ Lan Nhi là GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (sinh năm 1944) - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM và mẹ là PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan (sinh năm 1971) - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng từng là bác sĩ nội trú sản.
Việc tôi chọn nghề y và học bác sĩ nội trú là mong muốn của chính mình. Bà ngoại và ba má hoàn toàn không định hướng hay ép buộc tôi phải theo nghề của gia đình.
Bác sĩ Hồ Ngọc Lan Nhi
Không chấp nhận làm bác sĩ dở
Đã bước sang tuổi 81, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một trong những bác sĩ sản khoa hàng đầu Việt Nam, vẫn làm việc, đi khám chữa bệnh với mong muốn "chừng nào bệnh nhân còn cần tôi thì chừng đó tôi còn cống hiến".
Bà Phượng nói mình như người công nhân tự đổ đá làm cho mình con đường đến với nghề y. Bản thân bà được sinh ra trong gia đình nghèo, cha làm công nhân đồn điền cao su của Pháp. Hồi bé, bà bị bệnh thương hàn, chữa nhiều nơi nhưng không khỏi, nhờ một bác sĩ tây y cho uống thuốc hết bệnh. Từ đó bà yêu thích nghề chữa bệnh cứu người và mơ ước trở thành bác sĩ.
Để đạt được ước mơ vào trường y, bấy giờ chỉ đào tạo sinh viên bằng tiếng Pháp, bà Phượng bắt đầu tự học tiếng Pháp qua tài liệu.
Lúc thi đậu lớp dự bị y khoa (APM) tại Y khoa đại học đường Sài Gòn (nay là Trường ĐH Y Dược TP.HCM), gia đình bà gặp nhiều khó khăn về kinh tế, cha mẹ thất nghiệp, phải nuôi 7 người con. Dù trải qua rất nhiều gian khó nhưng bà vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ. Ban ngày bà đi học, đêm về làm đủ thứ việc để phụ giúp gia đình.
Trở thành bác sĩ, bà Phượng nhận thấy mình còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng, cần phải tiếp tục học tập để nâng cao trình độ.
"Khi mới ra trường, tôi chưa tự tin để làm nghề. Tôi nghĩ bác sĩ dở có khi làm hại bệnh nhân, nên về xin ba má cho tiếp tục học nội trú. Lúc đó nhà nghèo quá nên ba má muốn tôi học ra bác sĩ rồi mở phòng mạch. Nhưng biết thi nội trú rất khó, nên ba tôi ậm ừ cho xong", bà Phượng kể.
Đến khi bác sĩ Phượng báo tin đậu nội trú, cả nhà không ai vui mừng. Cô bác sĩ trẻ lại thuyết phục gia đình: "Vì không chấp nhận làm bác sĩ dở suốt đời, muốn được tiếp tục học". Cuối cùng cha mẹ cũng đồng ý để bà được học 3 năm nội trú và thêm 3 năm chuyên ngành sản phụ khoa sau đại học.
"Tốt nghiệp bác sĩ, tôi có thể mở phòng mạch kiếm tiền, nhưng tôi không làm như vậy. Tôi luôn tâm niệm bác sĩ phải giỏi, phải luôn nỗ lực học hỏi và không được phép lấy cớ "chưa giỏi" để gây ra tai biến cho bệnh nhân. Nhờ được học nhiều nên sau này tôi có năng lực chuyên môn tốt và còn giảng dạy cho các bác sĩ trẻ", bà Phượng tâm sự.
"Không có ngành gì khác để chọn ngoài y khoa"
PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan (con gái giữa của bác sĩ Phượng), cũng là bác sĩ sản phụ khoa có tiếng tại Việt Nam trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm, cho biết chị chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ.
Hồi học cấp II, Ngọc Lan từng đoạt giải nhất học sinh giỏi vật lý cấp thành phố. Lên cấp III, chị tham gia đội tuyển học sinh giỏi chuyên lý Trường THPT Bùi Thị Xuân. Nhưng trước ngưỡng cửa chọn nghề, Ngọc Lan không đắn đo khi rẽ qua ban B (toán - hóa - sinh) để thi vào ngành y.
"Mẹ sinh tôi ra ở Bệnh viện Từ Dũ, lúc bà đang học nội trú sản. Ba tôi cũng là bác sĩ giải phẫu bệnh tu nghiệp tại Pháp. Sau ngày 30-4-1975, mẹ đem theo chị em tôi tình nguyện túc trực trong Bệnh viện Từ Dũ 24/24.
Tuổi thơ tôi sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Tôi chọn ngành y có lẽ vì lớn lên trong môi trường đó. Khi thi đại học, tôi cảm nhận không có ngành gì khác để chọn ngoài y khoa. Tôi thích không khí, cuộc sống trong bệnh viện nên cũng muốn làm bác sĩ như mẹ" - bác sĩ Ngọc Lan chia sẻ.
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM (nay là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), Ngọc Lan quyết định thi vào nội trú Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Dành cho bạn
Chị cho biết: "Trong giới y khoa, từ "nội trú" thiêng liêng dữ lắm. Sau khi hoàn thành nội trú, bác sĩ sẽ có sự tự tin và chuyên môn vững vàng hơn để thực hành nghề nghiệp. Tôi không cảm thấy áp lực, mà rất vui và tự hào khi được trở thành bác sĩ nội trú. Đó cũng là khởi đầu thuận lợi để tôi tiếp tục học tập và rèn luyện tốt hơn".
Bắt đầu từ niềm đam mê
Chồng của bác sĩ Ngọc Lan là ThS.BS Hồ Mạnh Tường - nguyên là trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, một bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực sản phụ khoa và hiếm muộn.
Đôi vợ chồng bác sĩ này đam mê nghiên cứu kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nên gần như ở suốt trong bệnh viện. Thứ bảy, chủ nhật họ cũng chở con vô bệnh viện làm việc. "Có lẽ vì vậy nên gia đình có nhiều thành viên nối nghiệp đều bắt đầu từ niềm đam mê với nghề" - bác sĩ Tường nói.
Thế hệ thứ ba trong gia đình là Hồ Ngọc Lan Nhi, con gái đầu của bác sĩ Ngọc Lan, cũng đã chọn nghề y. Cũng như mẹ ngày trước, Lan Nhi từ nhỏ cũng theo ba mẹ vào bệnh viện hằng ngày và coi đây như ngôi nhà thứ hai. Cô đã quen thuộc và yêu thích môi trường này.
"Khi đó nhà không có ai giữ nên buổi sáng bà ngoại và ba má đi làm thì tôi cũng được vào bệnh viện cùng luôn. Tôi cảm nhận được công việc mà bà ngoại và ba má làm đem lại niềm vui cho người khác, giúp họ hết bệnh. Do đó tôi cũng muốn trở thành một người như bà ngoại, ba má - giúp đỡ và chăm sóc cho nhiều người", Lan Nhi tâm sự.
Đó không phải là một ước mơ chợt đến, mà đã ăn vào tiềm thức, thôi thúc để Lan Nhi trở thành học sinh chuyên sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Với giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn sinh, Lan Nhi được tuyển thẳng vào ngành y khoa của Khoa y - ĐH Quốc gia TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học sức khỏe).
Bữa cơm tối luôn là "buổi giao ban"
Điều đặc biệt ở gia đình bác sĩ này là bà ngoại Ngọc Phượng có quy ước dù bận rộn mức nào mọi người trong nhà phải cùng nhau ăn bữa tối. Những buổi cơm tối ở nhà giống như "buổi giao ban", "buổi hội chẩn" trong bệnh viện.
"Ngay cả bữa ăn cả nhà cũng nghĩ về bệnh nhân, bàn chuyện chuyên môn. Má tôi thường kể cho ngoại nghe hôm nay gặp ca gì đó rồi, xử lý làm sao. Rồi bà ngoại cũng luôn trao đổi lại, đánh giá phương pháp điều trị. Tôi đi thực tập ở bệnh viện về, bữa tối cũng kể là hôm nay gặp ca gì, học cách chữa trị thế nào, còn thắc mắc gì không", Lan Nhi cho biết.
Khởi nguồn của sự sống
Khi trở thành sinh viên y khoa, Lan Nhi được mẹ dẫn vào bệnh viện để học nghề từ rất sớm. Ngay từ năm 2, cô đã được trải nghiệm "đặc sản" của nghề y - trực đêm và được cho vào phòng mổ để quan sát.
"Ngày trước, bà ngoại và mẹ đều cho biết họ chọn sản khoa vì nơi đó là khởi đầu của một sự sống. Sau này khi được vào phòng mổ và thấy đứa bé lần đầu tiên gặp người mẹ, tôi thấy rất thiêng liêng. Tôi cảm thấy thích điều kỳ diệu đó. Và tôi cũng thấy sản khoa phù hợp với mình nhất", Nhi chia sẻ.
Sống trong gia đình bác sĩ, cả bà ngoại và ba má đều là những "cao thủ" rất nổi tiếng trong lĩnh vực sản khoa, đã giúp cô sinh viên y khoa Lan Nhi học được rất nhiều kiến thức chuyên môn từ thế hệ đi trước.
Cô không cảm thấy áp lực từ gia đình, mà thấy đây là một cơ hội và nguồn động lực để cô phát triển. Với nền tảng gia đình vững chắc đó là bệ phóng cho cô "cất cánh" trong nghề y.
Lan Nhi tâm sự: "Bản thân tôi không muốn vượt ra khỏi "cái bóng" của bà ngoại và má. Mục tiêu trở thành bác sĩ của tôi, cũng giống như bà ngoại và ba má, là giúp cho nhiều người. Nhưng tôi có nhiều điều kiện tốt hơn, nên cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành bác sĩ giỏi, từ đó giúp được nhiều người hơn".