Trước đó, ngày 6.6, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đã tiên lượng tình hình người vợ diễn biến xấu, nguy kịch, rối loạn chức năng gan, rối loạn đông máu, có thể tử vong. Còn người chồng trong quá trình chuyển viện, bị khó thở, suy hô hấp, được đặt nội khí quản, bóp bóng. Tuy nhiên, ông đã tử vong tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng người con gái 17 tuổi sức khỏe có cải thiện sau thời gian điều trị.

Vụ cả gia đình ngộ độc nấm vào mướp: Người vợ đã mất - Ảnh 1.

Một trường hợp ngộ độc nấm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Khai thác bệnh sử ghi nhận, cách nhập viện khoảng 3-4 ngày, 2 vợ chồng bệnh nhân đã hái nấm về nhà xào với mướp ăn. Sau khi ăn khoảng 8-12 giờ, lần lượt chồng, người vợ, con gái bị đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng nhiều, tình trạng ngày càng nặng hơn. Gia đình được chuyển vào bệnh viện địa phương và tiếp tục chuyển lên bệnh viện tại TP.HCM.

Theo bác sĩ Ngân, thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc nấm. Mùa mưa là thời điểm nấm mọc nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch nấm. Tuy nhiên nếu không có kiến thức nhận biết nấm độc thì nguy cơ ngộ độc là rất cao.

"Ví dụ như thời gian gần đây rộ lên thông tin về nấm trứng gà bổ dưỡng, tuy nhiên khi người dân đi thu hoạch nấm hoang dã, không biết chính xác về loại nấm này nên có thể nhầm lẫn", bác sĩ Ngân cho biết.

Dành cho bạn

Các tình trạng nhiễm độc do ăn nấm có thể biểu hiện ngay sau khi ăn hoặc sau 6-8 tiếng. Khi có biểu hiện ngộ độc, một số người thấy các triệu chứng giống rối loạn tiêu hóa nên thường tự theo dõi ở nhà, dẫn đến diễn tiến nặng nhanh.

Do đó, bác sĩ Ngân khuyến cáo người dân nên sử dụng nấm có nguồn gốc rõ ràng, được xác định bởi các chuyên gia, bởi các loại nấm độc và nấm dinh dưỡng dễ bị nhầm lẫn.