Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh rằng, việc phân bố mỡ trong cơ thể có tác động đến nguy cơ mắc một số bệnh lý mà không phụ thuộc vào tổng trọng lượng cơ thể hoặc tỷ lệ mỡ cơ thể. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy các khu vực tích mỡ trong cơ thể có chức năng khác nhau và phản ứng với các thay đổi chuyển hóa theo những cách khác nhau, từ đó gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Sự liên quan giữa tích tụ mỡ nội tạng với tỷ lệ tử vong
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Quý, Phòng khám Da - Thẩm mỹ y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, mô mỡ chủ yếu tích tụ dưới dạng mỡ dưới da (SCAT) và có một phần tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng (VAT).
Các bộ phận tụ mỡ chính của SCAT là: Vùng bụng dưới, dưới vai (vùng lưng trên), mông, đùi. Phụ nữ tiền mãn kinh có nhiều SCAT ở vùng bụng và mông - đùi hơn nam giới. Tuy nhiên, sau mãn kinh, phụ nữ có xu hướng tích nhiều mỡ nội tạng hơn, từ đó cũng làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý chuyển hóa liên quan đến béo phì bụng như tình trạng đề kháng Insulin và bệnh động mạch vành.
Mỡ nội tạng (VAT) chủ yếu nằm trong khoang bụng như gan, ruột. Điều đặc biệt của mỡ nội tạng là nó dẫn lưu các axit béo tự do và adipokine vào tuần hoàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất. Nam giới thường có lượng mỡ nội tạng cao hơn so với nữ giới.
“Có mối liên quan giữa tích tụ mỡ nội tạng ở bụng với tỷ lệ tử vong, bệnh động mạch vành và nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, tăng stress oxy hóa toàn thân (một cơ chế khác làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành). Các mô mỡ dưới da làm rối loạn chuyển hóa lipid máu, insulin và yếu tố viêm; còn mô mỡ nội tạng ở bụng làm mất cân bằng glucose và gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, tiểu đường loại 2 và tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa”, bác sĩ Quý nói.
Cơ chế tụ mỡ, độ nguy hiểm của mỡ nội tạng
Bác sĩ Nguyễn Thị Quý cho biết, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phân bố mỡ bao gồm: Giới tính, hormone sinh dục, lão hóa và biến thể gen. Cụ thể:
Giới tính và hormone sinh dục là những yếu tố chính quyết định sự phân bố mỡ của cơ thể. Estrogen thúc đẩy tích tụ mỡ dưới da ở mông, đùi thay vì tích tụ mỡ nội tạng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Sau mãn kinh, estrogen buồng trứng suy giảm, mỡ nội tạng ở bụng tăng lên.
Ở nam giới, sản xuất testosterone tăng lên ở tuổi dậy thì và bắt đầu giảm sau độ tuổi 20–30 với tốc độ lên đến 1% mỗi năm, đạt mức thấp nhất ở nam giới 70 tuổi. Giảm testosterone có liên quan đến tăng tích tụ mỡ nội tạng ở bụng.
Khi lão hóa, mô mỡ trải qua những thay đổi quan trọng về số lượng, phân bố, thành phần tế bào, tình trạng viêm, lão hóa tế bào và sự sản xuất hormone có nguồn gốc từ mô mỡ. Về phân bố mỡ cơ thể khi lão hóa, ở người, có sự thay đổi rõ ràng từ chủ yếu là chuyển từ SCAT sang VAT. Biểu hiện liên quan đến mất SCAT có thể quan sát được: má hóp, da ở tay và chân mỏng đi, nếp nhăn nhiều hơn.
Dành cho bạn
Theo đó, bác sĩ Quý cho biết: “Quá nhiều mỡ cơ thể có thể là một nguy cơ đối với sức khỏe. So với mỡ nằm ngay dưới da, mỡ nội tạng có nhiều khả năng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như: Tim mạch, Alzheimer, ung thư, tiểu đường loại 2, đột quỵ và cholesterol cao”.
Ngày nay, nhiều người có lối sống ít vận động. Thực phẩm chế biến sẵn rẻ, giàu năng lượng và dồi dào nên mọi người có xu hướng nạp nhiều calo hơn mức họ có thể tiêu hao. Những thay đổi đáng kể về lối sống này đã dẫn đến tình trạng béo phì ngày càng gia tăng.
Béo phì, đặc biệt là béo phì vùng bụng, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm tiểu đường loại 2 (T2DM), bệnh tim mạch (CVD), bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bệnh Covid-19 nặng và một số loại ung thư…
“Cho đến nay, các biện pháp chính để điều trị béo phì là quản lý lối sống, thuốc giảm lipid, phẫu thuật giảm cân, các chiến lược để giảm lượng thức ăn nạp vào...”, bác sĩ Quý chia sẻ.
"Đối phó" béo phì theo y học cổ truyền
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Quý cho hay, theo y học cổ truyền, béo phì được mô tả trong chứng trạng phì bạng, nguyên nhân chủ yếu do Can, Tỳ và Thận hư, cùng với sự tích tụ đàm thấp nhiệt trong cơ thể.
Có nhiều phương pháp điều trị chứng phì bạng như: Thảo dược đường uống, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, chế độ ăn… Tuỳ thuộc vào thể bệnh của từng người bệnh mà có bài thuốc thảo dược, công thức huyệt châm cứu và tập luyện cụ thể. Trước khi tiến hành điều trị, người bệnh nên được bác sĩ tham vấn chế độ ăn uống, tập luyện với thể bệnh của mình để có được hiệu quả tốt nhất.