Muôn kiểu chi phí vỉa hè bán hàng Tết - Ảnh 1.

Nhân viên bán hàng của tiệm hoa vải trên đường Tháp Mười (phường 2, quận 6, TP.HCM) chỉ ranh giới vạch vàng trở ra là vỉa hè mà chủ tiệm hoa bỏ 5 triệu đồng để thuê bán Tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận và vào vai đi thuê mặt bằng, phát hiện cách làm rất khác nhau. Điểm chung là trong những ngày chộn rộn bán hàng phục vụ Tết, tiểu thương chấp nhận chi tiền. Chi phí cuối cùng tính vào giá bán.

"Vỉa hè trước cửa nhà, muốn bán phải nộp tiền"

Đi dọc trên con đường Tháp Mười (phường 2, quận 6) là những cửa hàng hoa vải. Ông L.B.Đ. - chủ cửa hàng hoa vải có hai cơ sở ở quận 6, bán hoa vải từ năm 2015 - cho hay mình vừa đóng 5 triệu đồng cho UBND phường 2 để làm chương trình đường hoa phố ngày Tết.

"Mặc dù đây là nhà của tôi, phía trước là vỉa hè nhưng tôi vừa phải đóng 5 triệu đồng. Mức phí này gọi là ưu tiên cho người tại chỗ. Nếu tôi không thuê, phường sẽ cho người khác thuê trước cửa nhà tôi để bán mặt hàng khác. Vì lệ thuộc chỗ làm ăn nên tôi phải đóng, chứ thực ra rất bức xúc", ông Đ. vừa nói vừa chỉ tay về phía vạch vàng ranh giới giữa nhà ông và vỉa hè mà phường thu tiền.

Tương tự, chị L.T.T.P., một tiểu thương có gần 20 năm bán đồ thờ cúng trên đường Nguyễn Hữu Thận (phường 2), cho hay cũng không đồng tình nhưng "nín bụng" nộp 5 triệu đồng, dù rằng khi đi họp chị cũng đã có ý kiến.

Chị P. khúc mắc nếu chị không thuê thì người khác đến thuê trước, cửa hàng của chị có lối nào đi ra đi vào? Khách cũng không có chỗ đậu xe, bắt buộc để dưới lòng đường, cản trở giao thông. "Bao nhiêu năm không có, năm nay có. Tôi sợ qua tháng sau làm ăn buôn bán, để cái thùng cái chậu cũng bị gây khó khăn nên phải đóng" - chị P. nói.

Trong vai một người ở tỉnh Quảng Ngãi đi thuê sạp bán hàng trái cây và hoa quả ở phường 2, chúng tôi được giới thiệu gặp chuyên viên phụ trách kinh tế của phường. 

Người này thông tin đường Tháp Mười có 70 sạp, đường Hậu Giang có 20 sạp. Chuyên viên phường còn tư vấn chỗ và nói mức giá 6 triệu đồng nếu thuê từ 24 đến 30 Tết, diện tích 3x3m, trên đường Tháp Mười; còn 5 triệu đồng với đường Hậu Giang.

"Hoa và trái cây mỗi sạp phường tạm ứng thêm 2 triệu đồng. Sau khi bán xong dọn dẹp hết, lên phường ký nhận sẽ được gửi lại. Đây là tạm ứng vệ sinh môi trường. Còn nếu thuê thì đăng ký, nộp tiền luôn. Kế hoạch này của quận do một đơn vị sự kiện làm, trang trí và thiết kế chợ vỉa hè Tết đẹp, rồi còn giữ trật tự lòng lề đường", chuyên viên này nói.

Muốn đường phố, chợ Tết đẹp hơn!?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ tịch UBND phường 2 (quận 6), cho biết việc thu tiền các sạp có trang trí trên các tuyến đường là kế hoạch tổ chức chợ hoa Tết Quý Mão 2023 của quận và đúng là năm đầu thực hiện.

Theo kế hoạch, sẽ có 186 gian hàng tại 5 khu vực, trong đó phường 2 có đường Hậu Giang với 80 gian hàng trái cây Tết; đường Tháp Mười có 24 gian hàng gồm hoa kiểng, bon sai, trái cây, hoa trang trí… 

"Trước khi làm, quận đã họp với dân và tổ khu phố, thông tin rộng rãi, kế hoạch này ưu tiên cho người tại chỗ. Đây là bước đà để quận triển khai kinh tế đêm sắp tới. Quận quán triệt rất rõ mình làm sao không mâu thuẫn và đừng đối đầu với tiểu thương", ông Trung nói.

Còn về số tiền 5 triệu đồng/sạp chi những khoản nào, ông Trung giải thích: Tiền dân đóng để trả tiền thu dịch vụ, cơ sở vật chất thuê làm mái che, tiền an ninh trật tự, tiền vệ sinh môi trường, chi cho anh em tuần tra canh gác, tiền điện… tất cả đều công khai. Nếu chi hết mà còn dư thì cách xử lý là nộp ngân sách theo quy định. 

Đáng lưu ý, ông Trung khẳng định tiền tạm thu riêng 2 triệu nữa cho vệ sinh môi trường là… không có. "Những trường hợp người dân phản ánh có thu thêm, phường sẽ kiểm tra. Có trường hợp khó khăn phường giảm, ở đây phường không có lợi nhuận mà làm sao cho khu vực này phát triển thêm sau này" - ông Trung cam kết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Thắng, chánh văn phòng UBND quận 6, cho hay trước khi làm có sự đồng thuận: "Chúng tôi làm việc với chủ hộ, có người cho thuê mặt bằng. Còn vạch đường sơn là sự việc muôn màu muôn vẻ, nhưng hướng là phát triển chung tạo môi trường tốt để người dân, tiểu thương thuận lợi buôn bán ổn định". 

Phân tích rõ tiền thu của tiểu thương để làm gì, ông Thắng nói theo hướng khác: "Có hai loại. Tiền tạm thu này cho chi phí vệ sinh, điện nước, bảo vệ. Tính 5 triệu đồng/sạp, con số này cơ bản bằng với chi phí sẽ chi. Nếu chi dư, phường sẽ trả lại cho tiểu thương".

Dành cho bạn

Muôn kiểu chi phí vỉa hè bán hàng Tết - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ tịch UBND phường 2, quận 6, giải thích lý do thu tiền vỉa hè vì thuê đơn vị làm gian hàng bài bản - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Vỉa hè nhiều nơi tạo điều kiện, không thu tiền

Đối lập với phường 2 (quận 6) thu tiền tiểu thương thì tại quận 3 có văn bản không cho sử dụng vỉa hè buôn bán Tết cũng như không được thu bất cứ chi phí nào của tiểu thương.

Có hai con đường "nóng" dịp Tết mà tiểu thương buôn bán vỉa hè là đường Trần Quốc Toản và Hai Bà Trưng (đối diện chợ Tân Định), nhưng ông Phạm Đăng Nam, chủ tịch phường Võ Thị Sáu (quận 3), cho rằng: "Nguyên tắc lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để bán buôn tự phát là kiểm tra, xử phạt ngay. 

Nhưng ngày Tết, buôn bán gần với các địa điểm kinh doanh, chợ… thì phường kiểm tra nhắc nhở gọn gàng, giữ vệ sinh đường phố nhưng cũng tạo điều kiện".

Một ngày đầu tuần thứ hai của tháng cuối năm, chạy quanh khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) để tìm mặt bằng vỉa hè bán trái cây, bắt đầu từ ngày cúng ông Táo, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu của đa số tiểu thương có sạp ở gần lề đường. "Bán vỉa hè ngày Tết không có thu tiền… công khai. 

Cũng không ai đóng theo quy định với mức phí cố định. Em coi chỗ nào được thì đứng bán hoặc hỏi ban quản lý chợ. Còn không em thuê trước nhà người ta cho chắc" - chị Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán đồ nhựa, mách nước.

Vào trong ban quản lý chợ Bà Chiểu, nhân viên ban quản lý cho biết vỉa hè là ngoài phạm vi chợ, tiểu thương bán hàng gì cũng phải xin phép phường hay cơ quan chức năng. Chợ không thu phí nào ở phía ngoài chợ.

Cạnh chợ Tân Định là đường Trần Quốc Toản. Chị Phạm Thị Ngọc, có nhiều năm bán hoa ở lề đường này, nói: "Tôi bán ở đây, phường nhắc nhở giữ vệ sinh. Mỗi ngày bán xong phải dọn dẹp sạch sẽ. Phường có đề nghị ủng hộ quỹ xã hội tùy lòng hảo tâm, tiểu thương nào cũng vui vẻ. Còn lực lượng chức năng vẫn tuần tra, kiểm tra nhưng đa số tạo điều kiện cho các ngày Tết"…

Chi phí thuê: mỗi ngày gần 1 triệu đồng

Phía bên hông chợ Bà Chiểu là con đường Vũ Tùng (phường 1, quận Bình Thạnh), trên con đường này là ngôi chùa nên thích hợp để bán hoa ngày Tết và sau Tết.

Tìm thuê mặt bằng, một chủ cửa hàng ra giá cho vỉa hè phía trước cửa hàng của mình: "Sáng 24 đến hết 30 Tết là 6 triệu đồng, còn từ 24 đến mùng 5 Tết là 8 triệu.

Điện xài bao nhiêu trả bấy nhiêu, nước thì miễn phí. Đây là cửa hàng tôi thuê, cứ yên tâm, không sợ phường hay trật tự đô thị kiểm tra. Tôi lo hết".

Ông Trần Đăng Khoa, chủ tịch phường 1 (quận Bình Thạnh), khẳng định các năm và năm nay phường không hề thu tiền các tiểu thương kinh doanh vỉa hè.

"Không có quy định nào thu tiền các hộ kinh doanh đó, nhưng nếu các tiểu thương và hộ kinh doanh ngay trước mặt tiền nhà người ta trong những ngày Tết với những mặt hàng phục vụ Tết thì phường cũng tạo điều kiện nhưng phải đảm bảo lòng lề đường", ông Khoa nhấn mạnh.