Liên quan đến một số vụ ngộ độc thực phẩm và nghi ngộ độc gần đây trên địa bàn tỉnh, tại cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh ngày 6.4, ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết các vụ việc trên đã gây ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của thành phố du lịch, khiến nhiều phụ huynh, người dân và du khách lo lắng. Do đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có hành động cấp bách để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thông tin tại và sau cuộc họp, thượng tá Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện nay một số cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn TP.Nha Trang đều sử dụng nước giếng khoan để sơ chế, rửa thực phẩm nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nguồn nước này chưa đảm bảo vệ sinh.
Dẫn chứng vụ ngộ độc năm 2022 ở Trường iSchool Nha Trang khiến hơn 600 học sinh, cán bộ, nhân viên phải nhập viện, thượng tá Thảo cho hay, qua điều tra, Trường Ischool Nha Trang đã sử dụng nguồn nước bơm từ lòng đất lên bồn chứa inox không được kiểm định.
Kết quả kiểm định phát hiện chỉ số Coli (ảnh hưởng đến độ tinh khiết) vượt quy chuẩn. Quá trình chế biến thực phẩm cũng không đảm bảo quy trình 4 bước như rã đông, ăn chín, uống sôi, do đó dẫn đến có vi khuẩn trong thực phẩm.
Ngoài ra, vụ ngộ độc cơm gà Trâm Anh mới đây tại TP.Nha Trang, khiến hơn 360 người nhập viện có nhiều yếu tố gây ngộ độc, trong đó có yếu tố nguồn nước giếng bơm lên sử dụng rửa, chế biến không đảm bảo.
Dành cho bạn
Cũng theo thượng tá Thảo, thời gian qua lực lượng chức năng cũng phát hiện rất nhiều nguồn thực phẩm trôi nổi (có gà), không rõ nguồn gốc và giá rất rẻ so với mặt bằng chung thị trường. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về an toàn thực phẩm với người tiêu dùng.
Như Thanh Niên đã thông tin, liên tiếp thời gian gần đây trên địa bàn Khánh Hòa (chủ yếu xảy ra tại TP.Nha Trang) xảy ra nhiều vụ việc ngộ độc, nghi ngộ độc thực phẩm. Thống kê sơ bộ, sau 4 vụ gần nhất có hơn 400 người nhập viện, trong đó có 3 vụ liên quan đến học sinh các trường.