Chất thải chứa vi khuẩn
Về vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm Salmonella, theo Viện Y học ứng dụng (Tổng hội Y học Việt Nam), salmonella đào thải ra khỏi cơ thể qua phân của người và động vật bị nhiễm bệnh.
Những người khác bị nhiễm khuẩn khi tay, thực phẩm, hoặc đồ vật dính phân bị nhiễm khuẩn được cho vào miệng. Những người bị nhiễm Salmonella có thể truyền vi khuẩn sang người khác nếu họ không rửa sạch tay của mình sau khi đi vệ sinh.
Có thể bị nhiễm khuẩn này khi ăn đồ ăn sẵn (các loại đồ ăn không cần nấu nướng) được chế biến trên các bề mặt chế biến thực phẩm hoặc bằng các đồ dùng bị nhiễm Salmonella.
Một người có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella do ăn đồ ăn hoặc uống nước hoặc sữa bị nhiễm vi khuẩn Salmonella; ăn hoặc chạm vào miệng sau khi chạm vào động vật bị nhiễm khuẩn mà không rửa tay trước.
Động vật thường bị nhiễm khuẩn Salmonella bao gồm gà, vịt, lợn, bò, động vật gặm nhấm và các loài bò sát như rắn, thằn lằn và rùa. Vật nuôi là nguồn nhiễm khuẩn khá dễ gặp nhưng thường không có biểu hiện bệnh.
Phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn Salmonella
Theo Viện Y học ứng dụng, rửa tay thật kỹ là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột (rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi thay tã, chạm vào động vật và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn). Nấu kỹ tất cả các loại thịt, đặc biệt là thịt gia cầm. Không ăn trứng sống hoặc nấu chưa chín, chỉ uống sữa tiệt trùng.
Khi chế biến thực phẩm, cần rửa thớt và kệ bếp dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.
Những người bị tiêu chảy không được chế biến hoặc phục vụ thức ăn hay đồ uống cho người khác, chăm sóc trẻ em hoặc chăm sóc sức khỏe. Người bị tiêu chảy không bơi ở bể bơi.
Loại khuẩn gây độc thực phẩm thường có trên bề mặt da
Theo Cục An toàn thực phẩm, trong các vụ ngộ độc, vi khuẩn Staphylococcus aureus (Staphylococcus.a) và Salmonella là tác nhân khá thường gặp, gây các triệu chứng như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu và một số trường hợp có sốt.
Với vi khuẩn Staphylococcus aureus, theo thông tin từ Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, các vụ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn này thường xảy ra vào các tháng mùa hè. Vi khuẩn S.aureus có khả năng sống sót trên các môi trường khô và có nhiều chất ức chế như mũi người, da và các bề mặt môi trường, quần áo, với khoảng 20 - 30% người trong cộng đồng thường có S.aureus "cư trú" thường xuyên.
Dành cho bạn
Tuy nhiên, S.aureus cũng có mặt trong các thực phẩm nguồn gốc động vật, sữa động vật, đặc biệt sữa vắt từ các động vật bị viêm vú. Các bề mặt tiếp xúc không đảm bảo vệ sinh cũng là đường truyền S.aureus vào thực phẩm. Vi khuẩn này gây ngộ độc thực phẩm do các độc tố, độc tố này chỉ có thể giảm khi được xử lý đun sôi kéo dài và hấp khử trùng.
Thực phẩm không an toàn có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học có hại có thể gây ra hơn 200 bệnh, từ tiêu chảy đến ung thư.
Một số thực phẩm không an toàn bao gồm: thực phẩm nấu chưa chín có nguồn gốc động vật, trái cây và rau quả bị nhiễm phân; ăn động vật thân mềm có chứa chất độc sinh học biển.
Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, cần lưu ý thực hiện rửa tay sạch. Giữ khu vực nấu ăn và dụng cụ chuẩn bị thực phẩm luôn sạch sẽ. Để riêng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống.
Sử dụng nước sạch và thực phẩm an toàn. Đun nấu kỹ thực phẩm và bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
(Tổ chức Y tế thế giới)