Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không chỉ muốn đánh bại các thương hiệu truyền thống ở quê nhà mà còn cả thị trường thế giới - Ảnh: BYD
Trong số 9 nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hàng đầu, cùng với gần 50 nhãn hiệu, cho đến nay chỉ có 4 hãng vạch ra chiến lược đánh chiếm thị trường toàn cầu.
Trong số 4 cái tên đó, có thể nói chỉ có Geely, BYD và Nio đủ sức cạnh tranh với xe Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu. Ngoài ra, còn có 2 tên tuổi mới được đánh giá có sức bật tốt.
Cùng với nhau, 5 công ty ô tô Trung Quốc dưới đây sẽ hoạch định lại bản đồ ô tô thế giới, đặc biệt là trong phân khúc xe điện, theo Car and Driver.
Human Horizons: Tập trung vào các tính năng sang trọng
Human Horizons, thuộc sở hữu tư nhân của cựu tổng giám đốc Shanghai General Motors, đã ký thỏa thuận lắp ráp với Dongfeng Yueda Kia và đang mạnh mẽ tiến vào phân khúc xe sang trọng.
Dưới thương hiệu HiPhi, chiếc SUV cỡ lớn X và sedan Z là hai sản phẩm nổi bật nhất. Khách hàng dường như đang ấn tượng trước các tính năng như “cửa tự sát” (Suicide doors - hai cánh cửa mở ngược hướng nhau) vận hành bằng điện, nóc mở ra như cánh chim, hệ thống chiếu sáng có thể tùy chỉnh, màn hình cỡ TV cho hành khách phía trước và màn hình trung tâm có thể thay đổi từ dáng thẳng đứng sang nằm ngang.
Human Horizons được đánh giá sẽ tạo nên một câu chuyện thành công độc đáo - Ảnh: HiPhi
HiPhi Z có thể tăng tốc từ 0-100km/h trong 3,8 giây và được trang bị bộ pin lớn giúp xe có thể chạy 530km trong một lần sạc đầy - Ảnh: HiPhi
BYD: Nhắm ngay vào Tesla, BMW và Mercedes-Benz
Nếu như ở quê nhà, BYD (Build Your Dreams) chỉ được ghi dấu ấn là nhà sản xuất ô tô phổ thông thì khi "mang xe đi đánh xứ người", BYD hầu như tập trung vào phân khúc cao cấp.
BYD đã bán xe ở châu Âu cho những khách hàng thích phần mềm của Google và hầu bao rủng rỉnh. Bộ ba xe điện Atto 3 (crossover 5 chỗ), Han (sedan nhỏ gọn) và Tang (SUV 7 chỗ) rất đắt đỏ. Dòng Ocean đầy hứa hẹn với những Seagull, Dolphin và Seal sử dụng nền tảng mới có kiến trúc pin 800V với tế bào pin hình lưỡi kiếm.
Seal (ảnh) thách thức Tesla Model 3, SUV PHEV Frigate 07 đối đầu Model Y - Ảnh: BYD
Ngoài ra, BYD còn có thương hiệu xe con cao cấp Yangwang, được thiết lập để cạnh tranh với BMW và Mercedes-Benz.
Yangwang U8 với giá bán hàng trăm nghìn USD nhắm thẳng vào những tên tuổi lớn trong dòng xe địa hình Mercedes-Benz G-wagen và Land Rover Defender - Ảnh: BYD
Thương hiệu này cũng mới ra mắt siêu xe điện có tên gọi U9 có thể tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong vòng 2 giây - Ảnh: BYD
Xe điện Nio: Xây dựng khả năng sạc pin tốt hơn
Công ty khởi nghiệp Nio chọn con đường tập trung vào phát triển sạc pin, cụ thể hơn là công nghệ đổi pin nhanh, dù ô tô điện của hãng vẫn có thể sạc như cách thông thường.
Người sáng lập Nio, Bin Li, đã thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng bao gồm Autohome, Lenovo và Tencent ủng hộ hệ thống đổi pin trên phạm vi toàn cầu. Ở Trung Quốc, Nio cũng được coi là cái tên sáng giá trong việc thu hút người tiêu dùng khỏi sự quyến rũ của những chiếc xe Đức.
Dành cho bạn
Ngoài các bộ sạc nhanh 180 và 500kW, hãng còn thiết lập đội xe sạc phục vụ 24/7 cho cả vùng sâu vùng xa. Thậm chí, có thông tin nói rằng Nio sẽ chế riêng một chiếc smartphone cho khách hàng của hãng.
Những sản phẩm đáng chú ý hiện tại có sedan ET5 (ảnh trên) và SUV ES7 có phạm vi hoạt động lên tới 644km - Ảnh: Nio
Sắp tới, Nio có kế hoạch ra mắt nhãn hiệu Alps nhằm vào Volkswagen và Toyota bằng một chuỗi sản phẩm có giá dưới 40.000 USD (950 triệu đồng).
Đến năm 2025, một nhãn hiệu khác là Himalaya sẽ được tung ra hướng tới cạnh tranh trong nhóm xe có giá dưới 20.000 USD (670 triệu đồng).
Xe điện XPeng: “Ngựa ô” công nghệ?
Có tên tuổi khiêm tốn hơn, XPeng Motors tập trung xây dựng giá trị. Giao dịch trên sàn chứng khoán New York và có trụ sở tại Quảng Châu, XPeng cung cấp 4 mẫu có kiểu dáng và giá cả hấp dẫn: G3i, P7, P5 và G9 hàng đầu. Trong đó, Car and Drive đánh giá G9 có những đặc điểm của một kẻ bị đánh giá thấp nhưng sẽ lật ngược được bàn cờ.
G9 được trang bị tính năng đỗ xe tự động, cập nhật qua mạng, chế độ lái rảnh tay (khi cần thiết) và trợ lý giọng nói có khả năng giao tiếp riêng với cả bốn hành khách trên xe nếu có. XPeng nhấn mạnh vào khả năng sạc nhanh của chiếc SUV 543 mã lực này. Được trang bị 28 loa và amplifier 2.250 Watt khổng lồ, chiếc xe giống như một phòng hòa nhạc trên bánh xe - Ảnh: XPeng
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của riêng G9, còn về bản thân XPeng đang rơi vào “vùng nguy hiểm” so với 4 hãng còn lại trong danh sách.
Từng có tổng mức vốn hóa cao hơn cả Ford nhưng giờ XPeng đã mất 83% giá trị. Hãng cũng phải lùi lại mục tiêu lợi nhuận đến năm 2025. CEO He Xiaopeng nói với Bloomberg rằng sẽ đi một nước mạo hiểm khi dồn toàn lực đặt cược vào công nghệ xe tự lái.
Geely: Nhân vật chính
Car and Driver viết: “Thế giới ô tô nhìn Geely bằng ánh nhìn pha trộn giữa sự tôn trọng và nỗi sợ hãi”. Tập đoàn này không chỉ sở hữu Volvo, Polestar, Lotus, Lynk & Co, một nửa Smart và Proton, mà còn sở hữu các thương hiệu ít được biết đến hơn, từ bình dân đến cao cấp, và cả xe chuyên dụng, bao gồm LEVC (trước đây là London Taxi), Geometry, và Zeekr.
Ngoài ra còn có Radar, nhà sản xuất xe bán tải và SUV chạy điện giá cả phải chăng mới, và Jidu, liên doanh với gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Baidu.
Những chiếc xe do Geely sản xuất trong nước không gây nhiều ấn tượng với thị trường nước ngoài, nhưng bất cứ thứ gì dựa trên kiến trúc Sustainable Experience Architecture mới thực sự đáng gờm. Trường hợp điển hình là chiếc crossover Zeekr 001 và chiếc minivan hình hộp 009.
Chưa hết, xe van tự lái được đồng phát triển với Waymo và xe tự lái được hình thành với Mobileye sẽ ra mắt vào năm 2024.
Chiếc 001 dẫn động bốn bánh có giá hợp lý với công suất 536 mã lực, pin 86 kWh và phạm vi hoạt động khoảng 420km - Ảnh: Geely
009 là chiếc minivan dáng khối hộp cạnh tranh với Lexus LM - Ảnh: Geely