Sau 41 năm, khi đã sở hữu ba xưởng mộc rộng hàng nghìn mét vuông cùng cơ ngơi sinh hoạt khang trang, ông Hiền, 68 tuổi, trú xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, thỉnh thoảng vẫn nhớ câu hỏi của vợ, bà Lê Thị Luyện: "Nếu ngày xưa anh bỏ nghề thì không biết gia đình mình sẽ ra sao".
Ông Hiền kết hôn với bà Luyện năm 1974, có hai con trai, bốn con gái. Sau 7 năm trong quân ngũ, ông phục viên về quê. Năm 1981, gia đình luôn thiếu ăn, ông Hiền áp lực, muốn tìm nghề mưu sinh nhưng chẳng nghĩ ra. Xã Thạch Châu thời điểm ấy đất cằn đá sỏi, thanh niên đi miền Nam làm công nhân, ở nhà thì cũng làm ruộng, đào ao thuê.
Sau khi tìm hiểu, ông quyết định học nghề thợ mộc, nhận một cụ cao niên trong huyện làm thầy, hàng ngày học bào gỗ, làm bàn ghế, cánh cửa. "Nghề mộc quá vất vả, bụi gỗ mù mịt chảy nước mắt. Thầy khó tính, thấy học trò làm sai là gõ đầu. Nhiều hôm sản phẩm làm ra xấu, không theo ý mình, tôi đã tính bỏ cuộc, kiếm công việc khác", ông Hiền kể.
Ông Phan Công Hiền kể về những khó khăn ngày đầu làm nghề mộc. Ảnh: Đức Hùng
Mới manh nha ý định đó, ông Hiền đã bị vợ cản. Bà Luyện hỏi chồng: "Anh định làm nghề gì tiếp theo?". Ông Hiền vò đầu bứt tóc, nghĩ không ra, xin thêm thời gian. Người vợ khuyên tiếp: "Ban đầu sẽ gặp trắc trở, nhưng em tin nếu chịu khó và kiên trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệm ắt sẽ thành công".
Được vợ ủng hộ, ông Hiền không còn muốn bỏ nghề. Những buổi làm mộc, ông quan sát tỉ mỉ, làm đi làm lại những chi tiết khó. Có những hôm đến khuya ông mới về ăn cơm. Từ chỗ loay hoay cầm chiếc đục run bần bật, bào thanh gỗ bị lệch, sau hai tháng ông Hiền đã hoàn thiện được bộ cửa.
Làm tốt, được thầy trả công cho một ngày 3.000 đồng, ông Hiền "sướng rơn". Để tích lũy kinh nghiệm, ông ghi chép nhiều chi tiết và mẹo khó nhớ vào một quyển sổ, khi cần thì mở ra xem. Sau nửa năm, từ chỗ không biết chút gì về mộc, ông trở thành thợ chính trong sự bất ngờ của thầy và bạn học cùng.
Thành thạo nghề, ông Hiền lập tổ khoảng 20 người đi nhận công trình làm lưu động. Biết gia đình nào đang dựng nhà gỗ hoặc xây mới, ông đến đặt vấn đề xin nhận làm cửa và các hạng mục bằng gỗ.
Ngày đó việc lập tổ lưu động đi làm ăn xa được đánh giá mạo hiểm. Bởi ông Hiền mới 27 tuổi, chưa tạo được tiếng tăm nên bị khách hàng từ chối. Ngoài ra, nhóm thợ đều hơn ông đến chục tuổi, trao đổi công việc rất khó khăn, nặng lời họ tự ái. Nhiều hôm đến đặt vấn đề xin nhận công trình, có người hỏi: "Chú trẻ vậy mà đã làm thợ cả, liệu có nên cơm cháo gì không".
Ông Hiền (góc phải) đang làm việc cùng công nhân tại xưởng mộc. Ảnh: Đức Hùng
Một số gia đình ông mất vài ngày thuyết phục mới đồng ý, họ còn ra điều kiện "làm không tốt phải bồi thường". Những sản phẩm như nhà gỗ, cửa, bàn ghế, tủ... do tổ ông Hiền làm ra được đánh giá cao. Người này giới thiệu người kia, tổ có việc quanh năm. Ông Hiền trả cho thợ 10.000 đồng/ngày. Mỗi công trình làm trong nửa tháng, trừ hết chi phí, ông lời vài trăm nghìn đến một triệu đồng.
Năm 2001, ông Hiền vay 250 triệu đồng mở xưởng mộc rộng 270 m2 ở thị trấn Lộc Hà. Năm đầu sản phẩm bán chạy, sau đó chững lại. Năm 2004, do sai lầm trong thuê nhân công cũng như thiếu kinh nghiệm quản trị tài chính, xưởng mộc phá sản. Sản phẩm tồn kho, hàng tháng ông phải trả tiền lãi hơn một triệu đồng.
Dành cho bạn
Thua lỗ hơn 300 triệu đồng, thanh toán xong tiền cho công nhân, ông Hiền dẹp xưởng mộc. Lúc này con cả 14 tuổi, nhỏ nhất một tuổi, kinh tế gia đình từ chỗ ở mức khá quay về chạy ăn từng bữa. Sau nhiều đêm mất ngủ nghĩ kế làm ăn, ông quyết định vào miền Nam đầu quân cho xưởng mộc lớn. Sau vài tháng, thấy thu nhập không ăn thua, ông lại trở về quê tái lập xưởng.
Vay thêm 300 triệu đồng, ông Hiền mở xưởng mộc ở thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu, gọi những thợ cũ về làm. Mời 20 người, song chỉ 15 thợ nhận lời, còn lại lo ông từng phá sản không có tiền trả. Năm 2006, hàng bán chạy, thị trường mở rộng, ông Hiền bắt đầu trả được nợ và có thêm vốn quay vòng.
Xưởng chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt là cựu binh. Ông Hiền lý giải, những người lính phục viên đa phần vất vả, lương thưởng không có, hễ có ai đặt vấn đề là ông nhận đào tạo hết, có lúc 30 người học việc. Trung bình từ 3 tháng đến nửa năm, họ bắt đầu làm được những sản phẩm đơn giản. Sau khi họ thành thạo thì làm một sản phẩm từ 5 đến 14 ngày. Có những người gắn bó 2-3 năm thì tách ra mở xưởng làm riêng.
Ngôi nhà 3 tầng vừa được ông Hiền bỏ hơn 3 tỷ đồng xây dựng. Ảnh: Đức Hùng
Tại xã Thạch Châu hiện có 12 chủ xưởng mộc lớn học nghề từ ông Hiền. Người đàn ông 68 tuổi chia sẻ rất tự hào khi những người được mình đào tạo nay đều trưởng thành, kinh tế ổn định. Ông không lo đối thủ cạnh tranh, ngược lại thấy vui, mong xã có nhiều cơ sở mộc để khách hàng dễ lựa chọn mẫu mã.
Cựu binh tâm niệm trong làm ăn phải giữ chữ tín. Nhiều lần làm ra sản phẩm bị khách hàng chê, ông chấp nhận thu hồi. Lúc đào tạo nghề, ông uốn nắn học trò tỉ mỉ, nhiều người bị trách mắng đã khó chịu, song khi hiểu chuyện thì cười bảo: "Bác càng khó thì bọn cháu nhanh trưởng thành".
Đến nay ông Hiền sở hữu 3 xưởng mộc rộng hàng nghìn m2, thuê hơn 10 nhân công, trả lương một ngày công từ 400.000 đồng đến một triệu đồng. Trung bình một năm, sau khi trừ mọi chi phí, ông lời gần một tỷ đồng. Từ chỗ tay trắng, vợ chồng có tài sản tích lũy hàng chục tỷ đồng.
Sáu người con đã ra ở riêng, trong đó hai con trai đang theo nghề mộc của bố. Ông Hiền dự tính quản lý các xưởng mộc thêm vài năm nữa, khi sức khỏe không còn cho phép thì chuyển giao cho con.
Ông Phan Anh Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Châu, đánh giá ông Hiền cần cù, chịu khó, biết tính toán làm ăn. Ngoài mang lại những giá trị kinh tế, ông Hiền đã giúp giải quyết công ăn việc làm, góp công lớn trong việc đào tạo nghề mộc cho người dân địa phương.