Theo bà con trồng nhãn, việc thâm canh theo quy trình VietGAP đã giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Trồng nhãn VietGAP thu lãi gấp 2 lần, tránh tình trạng được mùa mất giá - Hình 1
Nhãn lồng Hưng Yên trồng theo mô hình VietGAP có năng suất và chất lượng cao. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN

Vụ năm nay, mô hình thâm canh nhãn VietGAP được thực hiện trên diện tích 30 ha tại 3 xã Nguyên Hòa (Phù Cừ), Nhật Tân và Cương Chính (Tiên Lữ). Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại theo quy trình đảm bảo “4 đúng” gồm đúng loại, đúng liều, đúng lúc và đúng cách.

Cùng đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Liên danh Công ty cổ phần chuyển giao khoa học kỹ thuật MT-CERT và Công ty TNHH Khoa học TSL và Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO thực hiện khảo sát, đánh giá, kiểm tra vùng sản xuất, hỗ trợ đoàn đánh giá lấy mẫu, đất, nước, mẫu sản phẩm..

Do thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn nên so với cây đối chứng ngoài mô hình năng suất cao hơn 10%, chất lượng quả thơm ngon cùi dày và giòn, mẫu mã quả đẹp hơn so với ngoài mô hình, thời vụ thu hoạch sẽ kéo dài tới hết tháng 9. Qua kiểm nghiệm của Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO, 100% vùng sản xuất của mô hình đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo bà con trồng nhãn ở xã Nguyên Hòa (Phù Cừ), mô hình thâm canh nhãn VietGAP đạt năng suất 16,5 tấn/ha, với giá bán 27 nghìn đồng/kg, mỗi ha cho thu gần 450 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 270 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với nhãn thâm canh ngoài mô hình.

Cùng đó, mô hình còn giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm quả tươi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được khách hàng và người tiêu dùng tín nhiệm. Vì vậy giá nhãn bán ra cũng cao hơn 1,5 lần và được tiêu thụ ổn định.

Dành cho bạn

Ông Đặng Thành Nhơn và các chủ vườn tham gia mô hình ở các xã Nguyên Hòa, Cương Chính chia sẻ, cùng với cho lãi cao, trồng nhãn theo quy trình VietGAP giúp người làm vườn thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, biết làm ra sản phẩm mà thị trường cần chứ không phải sản phẩm nông dân có sẵn.

Mặt khác, trồng nhãn theo mô hình này còn giảm sử dụng phân vô cơ, tạo điều kiện khôi phục độ mầu mỡ của môi trường đất; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, người tiêu dùng yên tâm vì sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Bùi Quang Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cừ cho biết, mô hình thâm canh nhãn theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên triển khai là cơ sở để bà con nông dân thực hiện sản xuất an toàn, chấp hành tốt các quy định sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của cây nhãn vốn là đặc sản của Hưng Yên.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên, thành công lớn nhất của mô hình thâm canh nhãn VietGAP là từng bước thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của nông dân. Khi tham gia mô hình, người trồng nhãn phải nghiêm túc thực hiện các quy định sản xuất nhãn sạch theo quy trình khép kín từ khâu lựa chọn cây giống, chăm sóc đến khi thu hoạch…

Tuy nhiên, để mô hình này thực sự có tính ổn định, người trồng cần thực hiện tốt quản lý cây giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và quy hoạch vùng phát triển các giống nhãn VietGAP; tránh việc phát triển tự phát sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị của cây trồng.