Ở tập 5 Học viện cải lương, 17 thí sinh trải qua vòng luyện giọng cùng NSND Minh Vương, NSƯT Diệu Hiền, NSND Vương Hà, NSƯT Thu Vân, nghệ sĩ Bùi Trung Đẳng. Sau đó, họ được chia làm 4 nhóm để tranh tài dưới sự đánh giá của NSND Bạch Tuyết, danh ca Châu Thanh, nghệ sĩ Thanh Hằng và khách mời là Hoa hậu Ngọc Châu.
Phần thể hiện của nhóm thí sinh Tuấn Kiệt, Biện Thụy, Vinh Sang, Minh Thái để lại ấn tượng đối với ban giám khảo. Nội dung bài thi nói về nỗi nhớ quê hương của những người xa xứ, khiến nghệ sĩ Bạch Tuyết nhiều lần xúc động nhưng cố ngăn lại. Giọng ca 4X đánh giá các thí sinh không chỉ thể hiện được sự văn minh, mới mẻ mà còn cho thấy lòng biết ơn với khán giả thông qua tiếng hát của mình.
Nghệ sĩ Thanh Hằng cũng không giấu được nước mắt khi theo dõi bài thi. Phần thể hiện của các thí sinh gợi lại những cảm xúc khó quên trong 15 năm xa xứ của nữ giám khảo. Bà nghẹn ngào nhớ lại: “Ngày xưa khi tôi định cư ở Úc, đến những cửa hàng bán băng đĩa, nghe cải lương vang lên tôi không dám đến gần. Tôi vì gia đình nên phải nén lòng lại”.
Thanh Hằng nghẹn ngào kể thêm quãng thời gian sinh sống ở xứ người, có những hôm đưa con đi học xong, bà đậu xe ngoài công viên, mở nhạc lên ca lại những vai diễn của mình ngày xưa. Giọng ca quê Tiền Giang chia sẻ trong chương trình: “Bài thi này khiến tôi nhớ lại 2 câu vọng cổ NSND Viễn Châu từng viết tặng tôi: “Loài chim nọ còn thương cành nhớ tổ, sao kẻ ly hương không nhớ cội thương nguồn”. Hai câu này giúp tôi bình tâm lại, biết rằng cải lương vẫn sống bên trong mình”.
Hội ngộ trên sân khấu của Học viện cải lương, NSND Minh Vương và NSND Bạch Tuyết cùng ôn lại những kỷ niệm khó quên gắn liền với vở diễn Đời cô Lựu. Nam nghệ sĩ kể trong kịch bản có đoạn bà Hai Hương kêu con trai lại gặp ba - là nhân vật Võ Minh Thành. Nguyên tác, sau khi đứa con chạy lại thì nhân vật Võ Minh Thành sẽ vô câu vọng cổ nhưng NSND Minh Vương cảm giác chưa thỏa đáng.
Dành cho bạn
“Võ Minh Luân đã mấy chục năm không gặp ba, không biết ba là ai. Bao nhiêu câu hỏi, nỗi niềm, khát khao chờ một ngày cất tiếng gọi cha”, NSND Minh Vương kể lại. Từ đó, ông đề nghị viết thêm 1 lớp tâm lý cho nhân vật, để lại ấn tượng với khán giả. Nam nghệ sĩ lấy câu chuyện này để nhắn nhủ các thí sinh về sự chủ động, sáng tạo hợp lý trong nghệ thuật để tạo nên những mảng miếng giá trị, góp phần nâng cao chất lượng vở diễn.
NSND Bạch Tuyết tiết lộ khi cùng diễn vở Đời cô Lựu, bà dành nhiều tình cảm, sự trân trọng cho NSND Minh Vương. Bà cũng cho biết là “fan ruột” của đồng nghiệp trong vở tuồng này. “Cải lương chi bảo” nhắn nhủ các thí sinh: “Nghệ sĩ phải luôn sáng tạo, tưởng tượng. NSND Năm Châu nói nghệ sĩ diễn giả nhưng phải để khán giả tin. Những cái giả đó là thật ở đời thật, như câu chuyện của NSND Minh Vương trong vở Đời cô Lựu”.