Room tín dụng đã mở nhưng không ít doanh nghiệp ngại vay vì lãi suất cao - Ảnh: Q.ĐỊNH
Cuối năm 2022 có thông tin 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm. Thế nhưng chờ mãi chưa thấy lãi suất giảm.
Tăng chóng mặt
Chị N.M.Ng. (Đông Anh, Hà Nội) cho biết rất ngỡ ngàng khi khoản tiền trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng trong tháng 1 vừa qua tăng mạnh, lên 9,4 triệu đồng/tháng thay vì 8,2 triệu đồng/tháng như năm 2022. Thắc mắc, chị được nhân viên ngân hàng giải thích: từ năm nay, khoản vay 900 triệu đồng mua nhà của chị đã hết thời gian ưu đãi lãi suất. Nên từ tháng 1, lãi suất cho vay tăng lên 13,5%/năm thay vì 8,9%/năm.
"Lãi vay tăng lên quá cao. Trong khi đó, thu nhập của người lao động giảm, tôi không biết sẽ xoay xở bằng cách nào" - chị N.M.Ng. thở dài.
Tương tự, anh Phan Duy (TP Thủ Đức, TP.HCM) vay ngân hàng hơn 1 tỉ đồng để kinh doanh. Trước anh chỉ phải trả lãi 9,9 triệu đồng/tháng nhưng từ cuối năm 2022 đến nay, khoản lãi phải trả hằng tháng lên hơn 10 triệu đồng rồi 11 triệu đồng/tháng. Tháng gần nhất anh phải trả 13,85 triệu đồng, tức tăng đến gần 40% so với ban đầu.
Anh cũng cho biết dù vay theo dạng kinh doanh nhưng mức lãi suất đã lên đến 13,2%/năm và chưa biết sẽ còn tăng đến khi nào. Nhiều người vay cũng cho hay rất lo khi tiền lãi ngân hàng phải trả không ngừng tăng trong khi khả năng chịu đựng có giới hạn.
Doanh nghiệp cũng "khóc"
Với các doanh nghiệp, tình hình cũng không khá hơn.
Ông T.V.K., phó giám đốc phụ trách tài chính một công ty chuyên sản xuất thức ăn gia súc trụ sở ở Hưng Yên, cho hay doanh nghiệp của ông có khoản vay sẽ giải ngân vào giữa tháng 2 này. Lãi suất cho vay được ngân hàng báo là 11,7%/năm, kỳ hạn 6 tháng. Giá nhiều loại nguyên liệu giữ ở mức cao, đầu ra khó khăn khiến ông rất đắn đo vì tỉ suất lợi nhuận hiện khó kham mức lãi suất này.
Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM cho hay cuối năm 2022 có thông tin 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền là 3.312 tỉ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm. Thế nhưng chờ mãi chưa thấy giảm.
Dành cho bạn
"Đầu năm mới chúng tôi rất mong muốn lãi suất cho vay giảm để tính toán chuyện làm ăn. Nhưng bao giờ lãi suất mới giảm khi ngân hàng còn đua lãi suất huy động như hiện nay?", vị giám đốc này đặt câu hỏi.
Vì sao lãi suất cho vay tăng cao?
Giải thích về việc lãi vay tăng cao, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có hội sở tại Hà Nội cho biết mức lãi suất huy động hiện nay dao động quanh mức 9 - 9,5%/năm. Nên mức lãi suất cho vay sẽ cao hơn lãi suất huy động 2,5 - 4,5%/năm tùy theo mục đích sử dụng vốn vay, đối tượng khách hàng... Nếu khách hàng tốt, vay sản xuất kinh doanh và có tài sản đảm bảo... thì lãi vay chỉ 11 - 12%/năm.
Còn với khoản vay cá nhân vay tiêu dùng như mua nhà, mua ô tô... lãi suất cho vay khoảng 13 - 15%/năm tùy từng ngân hàng và thời hạn vay. Nếu vay ngắn hạn dưới 6 tháng thì lãi suất thấp, dài hạn thì 13 - 15%/năm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, dù Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các thành viên đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm nhưng trên thực tế lãi suất huy động cao hơn nhiều so với con số công bố trên website nếu khách hàng gửi số tiền lớn với kỳ hạn trên 6 tháng.
Cách phổ biến là ngân hàng tách khoản tiền gửi thành hai sổ tiết kiệm. Theo đó, một sổ tiết kiệm sẽ theo lãi suất niêm yết và một sổ là ngân hàng sẽ ứng trước lãi suất cuối kỳ, cộng gộp cả hai khoản thì sẽ ra được mức thỏa thuận giữa người gửi và ngân hàng, dao động từ 10,5 - 12%/năm, tùy số tiền và ngân hàng gửi. Lãi suất đầu vào cao khiến lãi suất cho vay không thể giảm.
Ngân hàng Nhà nước họp khẩn về tín dụng bất động sản
Dự kiến tuần này Ngân hàng Nhà nước tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về tình hình vốn cho thị trường bất động sản với sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và tổng giám đốc các tổ chức tín dụng... nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định khó khăn của thị trường bất động sản là nút thắt cần sớm giải quyết. Thủ tướng "chốt" trong tháng 2 phải tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.