Làn sóng biểu tình đã trỗi dậy tại Kenya sau khi quốc hội thông qua dự luật tài chính 2024 nhằm thu thêm 2,7 tỉ USD tiền thuế, theo Reuters. Cuộc biểu tình trên toàn quốc dâng lên đỉnh điểm trong ngày 25.6 khi bạo lực bùng phát, buộc cảnh sát sử dụng hơi cay và bắn đạn thật để trấn áp. Quân đội cũng được triển khai để hỗ trợ tái lập trật tự khi người biểu tình áp đảo cảnh sát về số lượng, rượt đuổi cảnh sát tại một số nơi.
Theo CNN, người biểu tình đã xông vào tòa nhà quốc hội tại thủ đô Nairobi để đốt phá trong khi các nhà lập pháp được sơ tán. Một số thi thể được nhìn thấy nằm trên đường phố Nairobi trong khi cảnh sát đánh đập và bắt giữ một số nhân viên cứu thương đang giúp người biểu tình bị thương.
Trang theo dõi mạng NetBlocks cho biết kết nối internet bị gián đoạn nghiêm trọng trong ngày. Tòa thị chính tại Nairobi là văn phòng của thống đốc bị đốt phá. Một số người xông vào trong để lấy đồ nội thất. Nhiều xe hơi đậu tại tòa án tối cao kế đó cũng bị đốt.
Người biểu tình tuyên bố phản đối việc tăng thuế và kêu gọi Tổng thống William Ruto từ chức.
Trong bài phát biểu ngày 25.6, ông Ruto cho rằng các sự kiện trong ngày là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia và cuộc thảo luận về dự luật đã bị những người nguy hiểm cướp lấy.
"Không thể tưởng tượng được rằng những kẻ phạm tội giả vờ là người biểu tình ôn hòa có thể gây ra nỗi kinh hoàng đối với người dân, những đại biểu được họ bầu ra và các thể chế được thiết lập theo hiến pháp, và mong chờ được thoát tội", Tổng thống Ruto nói và gọi cuộc biểu tình là hành động "phản bội". Nhà lãnh đạo Kenya cho rằng cần tách biệt giữa quyền biểu đạt dân chủ và hành động phạm tội.
Dành cho bạn
Ít nhất 5 người bị bắn chết và khoảng 31 người bị thương trong cuộc biểu tình ngày 25.6. Trong số đó, có 13 người trúng đạn thật, 4 người trúng đạn cao su, theo thông báo chung của các tổ chức ân xá, y khoa, luật...
Nhà hoạt động Auma Obama, chị cùng cha khác mẹ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng bị cảnh sát xịt hơi cay trong cuộc phỏng vấn được phát trực tiếp trên CNN.
Dự luật gây tranh cãi sẽ được Tổng thống Ruto ký ban hành trong bước tiếp theo. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo có thể trả lại quốc hội nếu không đồng ý. Các chính trị gia đối lập đã kêu gọi ông Ruto từ chức trong danh dự và ngay lập tức rút lại dự luật để đối thoại.