Giới chức Kenya ngày 25/4 thông báo đã tìm thấy 89 thi thể liên quan đến giáo phái Tin lành Quốc tế do Paul Mackenzie Nthenge dẫn đầu. Hầu hết thi thể nằm trong các ngôi mộ tạm trong rừng Shakahola, gần thị trấn miền đông Malindi. Số khác được tìm thấy còn sống sót nhưng trong tình trạng suy kiệt và tử vong sau đó.

Giới chức Kenya bắt đầu phong tỏa và tìm kiếm trên khu vực rộng 325 hecta trong rừng Shakahola từ ngày 21/4 sau khi nhận tin báo. Chính quyền cảnh báo số người chết có thể còn tăng khi Hội Chữ thập Đỏ Kenya đã tiếp nhận thông tin hơn 200 người mất tích.

Sự việc, được mô tả là "thảm sát rừng Shakahola", đã khiến toàn bộ quốc gia Đông Phi và cả thế giới chấn động. Các tổ chức nhân quyền đang tỏ ra bất bình với giới chức Malindi vì đã thất bại trong việc xử lý thông tin tình báo nhằm ngăn chặn Mackenzie làm mê muội các tín đồ bằng lời kêu gọi nhịn ăn để "gặp Chúa Jesus".

Giới chức tìm thấy thi thể trong rừng Shakahola, Kenya ngày 22/4. Ảnh: Reuters

Giới chức tìm thấy thi thể trong rừng Shakahola, Kenya ngày 22/4. Ảnh: Reuters

Giáo phái Tin lành Quốc tế được thành lập ở Kenya vào năm 2003 bởi Mackenzie và vợ, Joyce Mwikamba, với tư cách là một trung tâm truyền giáo nhỏ.

Trước khi thành lập, Mackenzie làm tài xế taxi ở Nairobi từ năm 1997 đến năm 2003. Trong thời gian đó, ông ta đã bị bắt 4 lần vì các bài giảng đạo của mình, nhưng được tha bổng do thiếu bằng chứng.

Khi tổ chức bắt đầu phát triển, vợ chồng Mackenzie chuyển đến làng Migingo ở Malindi, thành lập nhà thờ tại đây. Mackenzie thu hút được một lượng lớn tín đồ, chủ yếu nhờ lời tuyên bố rằng ông ta có thể giao tiếp với Chúa.

Vào năm 2016, một tín đồ được cho là đã bán đất đai của họ trên đảo Lamu để đưa cho Mackenzie gần 150.000 USD. Mackenzie dùng số tiền này để mua bất động sản ở các thành phố Mombasa và Malindi, hai chiếc xe, đồng thời tài trợ cho một kênh truyền hình nhằm phát các thông điệp của ông ta.

Hành động của tín đồ trên đã khiến nhiều người khác làm theo. Họ cũng bán tài sản và quyên góp cho giáo phái Tin lành Quốc tế.

Năm 2017, Mackenzie và Mwikamba bị cáo buộc tuyên truyền cực đoan, từ chối cho trẻ em trong giáo phái tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, đồng thời điều hành một trường học và kênh truyền hình trái phép. Nhiều đứa trẻ đã thiệt mạng do không được chăm sóc y tế và vào năm 2017, giới chức đã giải cứu 93 đứa trẻ từ giáo phái của Mackenzie.

Đến năm 2018, Mackenzie bị các lãnh đạo cộng đồng và các nhà hoạt động chỉ trích vì xúi giục trẻ em bỏ học. Năm 2019, Mackenzie bị bắt vì kích động công chúng phản đối hệ thống đăng ký nhận dạng sinh trắc học do chính phủ triển khai, ví nó như "Sổ của Quái vật". Ông ta cũng bị cáo buộc tẩy não và bắt cóc trẻ em gia nhập giáo phái.

Trong quá trình xét xử, Mackenzie được một số mục sư cùng giáo phái khác hỗ trợ và sau đó được tha bổng. Ông ta đóng cửa nhà thờ ở Migingo và chuyển đến cộng đồng xa xôi hẻo lánh ở Shakahola.

Theo trang web của nhóm và truyền thông địa phương, các tín đồ trong giáo phái Tin lành Quốc tế tôn thờ William Branham (1909 - 1965), mục sư Cơ đốc giáo người Mỹ với quan điểm chữa bệnh bằng đức tin. Ông này đã tuyên bố mình là một nhà tiên tri, đến trần gian để chuẩn bị cho Chúa Jesus giáng thế lần thứ hai. Các nhà điều tra đã phát hiện ra những tập sách nhỏ ghi chép những lời răn dạy từ Branham tại nơi các tín đồ của Mackenzie tụ tập.

Mackenzie rao giảng nhiều về ngày tận thế và chỉ trích những "tệ nạn từ cuộc sống phương Tây", như các dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm, thể thao, âm nhạc. Trong một bài hát có tựa đề "Kẻ chống Chúa", ông ta cáo buộc Giáo hội Công giáo, Mỹ và Liên Hợp Quốc là công cụ cho Satan, giống như với những lời rao giảng bảo thủ của Branham.

Dành cho bạn

Mackenzie thuyết phục các tín đồ bỏ việc, bỏ học, ngừng sử dụng "đồ ăn trần tục" và không đến bệnh viện điều trị khi gặp vấn đề sức khỏe. Họ gặp nhau vào thứ 7 hàng tuần dưới gốc cây từ 9h đến 17h để học "những bài học cuộc sống".

Cảnh sát cho biết Mackenzie còn nói với các tín đồ rằng việc "nhịn ăn để gặp Chúa Jesus" chỉ được tính nếu họ tụ tập lại với nhau và đề nghị biến trang trại của ông ta làm địa điểm tập trung.

Mackenzie bị cáo buộc yêu cầu tín đồ không giao du với bất kỳ ai từ "thế giới bên ngoài" nếu muốn lên thiên đường và phải tiêu hủy tất cả tài liệu do chính phủ cung cấp, trong đó có cả thẻ căn cước và giấy khai sinh.

Mackenzie từng ra đầu thú hồi tháng 3, liên quan việc hai trẻ em bị bố mẹ chúng bỏ đói đến chết và được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh 100.000 shilling (700 USD).

Giới chức địa phương ngày 14/4 khám xét cơ ngơi của Mackenzie và phát hiện 15 người trong trạng thái suy kiệt. Cuộc khám xét này dẫn đến việc phát hiện hàng chục thi thể những ngày sau đó. Mackenzie bị cảnh sát bắt ngày 15/4 và từ chối ăn uống trong lúc chờ ra tòa xét xử.

George Kariuki, luật sư của Mackenzie, cho biết ông không được thân chủ ủy quyền bình luận về cáo buộc kích động tín đồ nhịn đói đến chết. "Tôi không thể tiết lộ những gì thân chủ nói với tôi mà không có sự cho phép của ông ấy", Kariuki nói thêm.

Thủ lĩnh giáo phái Tin lành Quốc tế Paul Nthenge Mackenzie. Ảnh: Nation Media Group

Thủ lĩnh giáo phái Tin lành Quốc tế Paul Nthenge Mackenzie. Ảnh: Nation Media Group

Tổng thống Kenya William Ruto hồi đầu tuần tuyên bố Mackenzie phải ngồi tù bởi "những thứ đang diễn ra ở Shakahola không khác gì khủng bố".

"Làm thế nào mà 'mục sư' này lại tập hợp được nhiều người như vậy, nhồi sọ, tẩy não và bỏ đói họ dưới danh nghĩa nhịn ăn rồi chôn họ trong rừng mà không bị phát hiện?", lãnh đạo Thượng viện Kenya Amason Kingi đặt câu hỏi.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Kithure Kindiki cảnh báo rằng những người đứng đầu giáo phái chắc chắn sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Anthony Muheria, tổng giám mục của Tổng giáo phận Công giáo Nyeri ở miền trung Kenya, cho biết việc làm của Mackenzie là một hành vi cực đoan, trong đó kinh thánh được sử dụng để đánh lừa những tín đồ trung thành.

"Tôn giáo không thể và không nên là nguyên nhân khiến con người mất mạng", ông nhấn mạnh.