Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc có thể còn non trẻ so với thế giới, nhưng trong lĩnh vực ô tô điện, Trung Quốc đã thức thời nhận ra cơ hội từ cách đây 15 năm và mạnh dạn đầu tư lớn vào việc phát triển hệ sinh thái xe điện cực kỳ cạnh tranh, theo một báo cáo của tập đoàn bảo hiểm Allianz.

Ô tô điện Trung Quốc giờ đây đã có mặt ở châu Âu và một số thị trường khó tính khác; dự kiến sớm chinh phục cả thị trường Mỹ dù vấp phải một số rào cản thương mại. Trong số cả trăm thương hiệu ô tô điện Trung Quốc, theo trang Business Insider, dưới đây là 5 cái tên nổi bật nhất cả ở trong và ngoài nước.

1. BYD

BYD - viết tắt của Build Your Dreams (tạm dịch: Xây ước mơ của bạn) - đang "đua" với thương hiệu Tesla của Mỹ, nuôi tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô điện số 1 thế giới.

Hiện BYD là thương hiệu ô tô điện bán chạy nhất Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới, với doanh số xe điện đạt hơn 900.000 chiếc vào năm 2022, cao hơn Tesla. 

BYD có trụ sở đặt tại thành phố Thâm Quyến, là một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Trong năm 2022 vừa qua, BYD đã bán được gần 1,9 triệu xe, gồm xe điện thuần túy, xe hybrid sạc điện và xe hybrid.

Nếu chỉ tính riêng xe điện, BYD là thương hiệu lớn thứ 2 thế giới năm 2022, với thị phần 12,6%, tăng mạnh so với mức 7% của năm 2021.

Nếu bạn định mua ô tô điện Trung Quốc, đừng bỏ qua 5 cái tên này - 1

Mẫu Seagull của thương hiệu BYD là một trong những mẫu xe điện rẻ nhất đến từ Trung Quốc (Ảnh: BYD).

BYD có lẽ là cái tên được biết đến sớm nhất và hiện cũng nổi tiếng nhất trên thị trường ô tô quốc tế, một phần nhờ việc được tỷ phú huyền thoại Warren Buffett "chọn mặt gửi vàng". Theo đó, công ty đầu tư Berkshire của tỷ phú Buffett đã chi 232 triệu USD để mua 225 triệu cổ phiếu BYD từ năm 2008, khi cổ phiếu BYD giảm giá xuống mức thấp kỷ lục do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sau những thành công ở thị trường trong nước, gần đây BYD đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài. Công ty đã hiện diện ở Na Uy, Đan Mạch, Anh, Thái Lan và Australia. 

Theo hãng tin Bloomberg, BYD có kế hoạch sản xuất ô tô điện tại Việt Nam. Thông tin này được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Wang Chuanfu - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của BYD - vào ngày 5/5.

Chủ động được công nghệ pin, nên BYD có lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường ô tô điện. Hồi tháng 4, BYD đã gây "chấn động" khi ra mắt mẫu hatchback mang tên Seagull tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải, với giá bán chỉ từ 78.000 nhân dân tệ (tương đương 11.300 USD hoặc 265 triệu đồng).

Dù đã có vị trí nhất định ở châu Âu và Đông Nam Á, nhưng BYD dường như chưa có kế hoạch chinh phục thị trường xe du lịch Mỹ, theo hãng tin Bloomberg trích lời nhà sáng lập Wang Chuanfu của BYD hồi tháng 3. 

BYD hiện mới chỉ bán xe thương mại cỡ nhỏ tại Mỹ. 

2. Nio

Với trụ sở đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc), Nio là doanh nghiệp ô tô điện khá non trẻ, mới được thành lập vào năm 2014. Công ty khởi nghiệp này được biết đến là nhà sản xuất ô tô điện thông minh hạng sang, với giá bán thậm chí có thể đắt hơn cả xe Tesla, theo CNBC.

Cụ thể, mẫu SUV thuần điện cỡ trung Nio ES7 có giá khởi điểm khoảng 68.000 USD, trong khi Tesla Model Y có giá khoảng 38.000 USD sau nhiều đợt giảm liên tiếp.

Nếu bạn định mua ô tô điện Trung Quốc, đừng bỏ qua 5 cái tên này - 2

Một số mẫu xe được trưng bày tại đại lý của Nio ở Thượng Hải (Ảnh: Getty Images).

Định vị thương hiệu ở phân khúc xe sang, nhưng Nio vẫn ghi nhận doanh số tăng 33% trong năm ngoái. Dù vậy, công ty vẫn chưa hề có lãi. Trong năm 2022, Nio lỗ khoảng 2,3 tỷ USD, theo báo cáo tài chính. 

"Chúng tôi chắc chắn sẽ không lao vào cuộc chiến về giá", CEO William Li của Nio chia sẻ với đài CNBC trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 4.

Ông Li cũng nói với trang Heise Autos của Đức rằng công ty có kế hoạch chinh phục thị trường Mỹ vào năm 2025. 

Ngoài Trung Quốc, Nio hiện bán xe ở một số thị trường châu Âu như Na Uy và Hà Lan.

Đây là thương hiệu được mệnh danh là "Tesla của Trung Quốc". Chiến lược phát triển của Nio khá đặc biệt và có nét tương đồng với VinFast.

Thay vì xây dựng một nhà máy riêng, Nio thuê JAC Motors sản xuất xe theo hợp đồng. Và để có thể tiếp cận khách hàng dễ hơn, Nio lựa chọn mô hình bán xe và cho thuê pin, giống VinFast. Việc này giúp khách mua xe Nio tiết kiệm được khoảng 10.000 nhân dân tệ ban đầu, tương đương 15-20% giá một chiếc xe mới.

Khi pin hết, chủ xe điện Nio có thể sử dụng dịch vụ đổi pin, với thời gian chỉ khoảng 3 phút, thay vì chờ ít nhất nửa tiếng để sạc.

Dành cho bạn

3. Wuling

Nếu bạn định mua ô tô điện Trung Quốc, đừng bỏ qua 5 cái tên này - 3

Mẫu Wuling Air EV (Ảnh:Xinhua/Getty Images).

Wuling là thương hiệu thuộc liên doanh giữa General Motors (GM), Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC), và nhà sản xuất ô tô Liuzhou Wuling của Trung Quốc.

Wuling nổi tiếng nhờ Hongguang Mini, mẫu ô tô điện "tí hon" bán chạy hơn cả xe Tesla tại Trung Quốc vào năm 2021, nhờ giá rẻ.

Hongguang Mini là mẫu xe điện bán chạy nhất Trung Quốc vào năm 2022, với doanh số đạt hơn 550.000 chiếc, theo hãng thông tấn Xinhua.

Hongguang Mini EV có giá khởi điểm chỉ tương đương 4.500 USD vào năm 2021, với kích thước dài x rộng x cao tương ứng là 2,9 x 1,5 x 1,6 (m), tương đương mẫu Smart ForTwo.

Phiên bản mới hơn là Wuling Air giá tương đương 5.500 USD đang bắt đầu chinh phục thị trường thế giới, đã "tung hoành" Indonesia vào tháng 2 năm nay, theo báo cáo đăng trên tờ Rest of World.

Tại Việt Nam, thương hiệu Wuling đã liên doanh với Công ty Cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện của hãng. Theo đó, những chiếc Wuling HongGuang Mini EV đầu tiên đã xuất xưởng tại nhà máy ô tô Cửu Long của TMT đặt tại Văn Lâm, Hưng Yên vào cuối tháng 5.

4. Zeekr

Thương hiệu Zeekr thuộc tập đoàn Geely mới chỉ ra đời được 2 năm, nhưng đã vươn tầm quốc tế.

Nếu bạn định mua ô tô điện Trung Quốc, đừng bỏ qua 5 cái tên này - 4

Mẫu Zeekr 001 (Ảnh: Zeekr).

Zeekr là thương hiệu xe điện thuộc tập đoàn ô tô Geely. Hồi tháng 4, Zeekr đã công bố kế hoạch bán hai mẫu Zeekr X và Zeekr 001 tại một số nước Tây Âu, nhưng không nêu lộ trình cụ thể, theo hãng tin Reuters.

Mẫu Zeekr X giá 27.000 USD thậm chí có tính năng nhận diện khuôn mặt để mở khóa xe và chủ xe có thể lắp cả một chiếc tủ lạnh mini vào trong ô tô, theo giới thiệu của ông Andy An, CEO của Zeekr.

Công ty có mục tiêu bán được 40.000 chiếc Zeekr X tại Trung Quốc trong năm nay, với lô xe đầu tiên dự kiến đến tay khách hàng trong tháng 6, theo hãng tin Reuters.

Trên thị trường ô tô điện Trung Quốc, Zeekr vẫn là "lính mới", chỉ bán được 15.234 xe trong quý I năm nay, bằng một nửa doanh số của Nio và chỉ bằng 10% doanh số Tesla.

Tuy nhiên, theo công bố của Zeekr hồi tháng 2, công ty đã huy động được 750 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có CALT - tập đoàn sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới hiện nay. Nhờ đó, Zeekr đã được định giá doanh nghiệp lên tới 13 tỷ USD. 

Zeekr cũng được cho là đã nộp hồ sơ IPO để niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ cùng khoảng thời gian với VinFast. 

5. Xpeng

Nếu bạn định mua ô tô điện Trung Quốc, đừng bỏ qua 5 cái tên này - 5

Mẫu SUV thuần điện XPeng G6 (Ảnh: Xinhua).

Xpeng rất tích cực hoạt động ở châu Âu, bắt đầu với thị trường Na Uy vào tháng 12/2020. Từ đó đến nay, nhà sản xuất ô tô có vốn đầu tư của Alibaba đã mở một số cửa hàng bán lẻ và thiết lập mạng lưới đại lý ở châu Âu, nơi nhu cầu đối với xe sử dụng năng lượng mới đang tăng mạnh.

Vào tháng 2 năm nay, Xpeng đã ra mắt một mẫu SUV và một mẫu sedan thể thao tại Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan.

Phó chủ tịch Brian Gu của Xpeng từng chia sẻ với đài CNBC vào tháng 11/2021 rằng công ty muốn xuất khẩu được một nửa sản lượng, nhưng không nêu lộ trình cụ thể.

Kết thúc năm 2022, doanh số của Xpeng đạt 120.757 xe, tăng khá nhiều so với con số 98.155 xe của năm 2021. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng của năm 2021, đây được coi là một con số khiêm tốn.