Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tham quan cơ sở nuôi trồng rong nho - Ảnh: MINH CHIẾN
Sản xuất gắn với du lịch
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng tại Khánh Hòa, nên kích hoạt sản phẩm nông nghiệp bằng cách đưa các sản phẩm OCCP vào tất cả các nhà hàng từ đó để du khách biết nhiều về sản phẩm hơn. Hay mỗi chuyến tàu ngư dân ra biển nên mở các tour kèm theo để du khách trải nghiệm kéo cá, chế biến hải sản trên biển…
"Đừng nghĩ làm nông nghiệp kết hợp với du lịch là những gì quá lớn, bây giờ không phải là dám nghĩ lớn mà phải là dám nghĩ nhỏ hay không... Quan trọng chúng ta phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận.
Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức hai hội nghị ở khu vực này về rừng và thủy sản. Nói về những vấn đề liên quan đến sơ chế, mô hình nuôi trồng trên biển bắt nguồn từ đâu", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: MINH CHIẾN
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt - vụ trưởng Vụ Kế hoạch - cũng cho hay khó có thể nâng cao được thu nhập cho người dân nếu chỉ có làm nông nghiệp thuần túy. Theo thống kê của Viện Chính sách thì đóng góp trực tiếp của nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 17,8%, còn lại trên 8% là từ ngành khác.
Bởi vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng lợi thế của vùng phải xác định được những sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, đối với phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch.
Bởi du lịch là thế mạnh của vùng này - chiếm khoảng 5% trong GDP. Để phát triển kinh tế vùng cần chú trọng đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn.
Việc khai thác thủy sản hoàn toàn có thể kết hợp với du lịch - Ảnh: MINH CHIẾN
Chợ thủy sản, cảng cá du lịch
Tiến sĩ Trần Minh Hải - phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn - cũng giới thiệu mô hình "Chợ đầu mối thủy sản Nhật Bản" để các địa phương có thể áp dụng, vận hành. Từ kinh phí xây dựng hạ tầng với ba nguồn: ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, thành viên hợp tác xã (HTX)/ngư dân góp.
Sau đó việc vận hành chợ do HTX thực hiện có nhiệm vụ tìm thị trường, người mua cho thành viên. Cung cấp các yêu cầu của người mua cho thành viên. Và đại diện các thành viên HTX bán cá theo hình thức đấu giá, hỗ trợ hậu cần nghề cá cho thành viên.
Dành cho bạn
Các khu chợ hải sản, cảng cá Nam Trung Bộ đầu tư cơ sở hạ tầng và cách vận hành - Ảnh: MINH CHIẾN
"HTX bán đấu giá cho thành viên sẽ tạo sự an tâm vì giá bán của HTX luôn cao hơn giá của các thành viên tự bán. HTX sẽ nhận được 12 - 16% hoa hồng trên giá bán, đấu càng cao lợi nhuận càng nhiều. HTX sẽ thu tiền hộ cho thành viên sau 3 ngày bán cá và trừ vào tiền dịch vụ hậu cần.
Tại Nhật Bản, 9h sáng siêu thị mở cửa thì trước 7h họ sẽ đấu giá, sơ chế để đưa vô siêu thị… Ngư dân Nhật còn được đào tạo cách cắt đuôi cá đúng chuẩn để người mua nhìn vào phần thịt đó để lựa chọn và xếp loại cá…
Đặc biệt những vấn đề về IUU họ nắm rất kỹ, ai không có hồ sơ, không chứng minh nguồn gốc thủy sản họ sẽ không mua", tiến sĩ Hải nói.
Tiến sĩ Trần Minh Hải giới thiệu mô hình "Chợ đầu mối thủy sản Nhật Bản" - Ảnh: MINH CHIẾN
Nhấn mạnh thêm, ông Hoan nói: "Cái đầu tiên là chúng ta có dám làm hay không, cách người ta làm chúng ta phải biết chuyển thành cái riêng phù hợp với khả năng, lợi thế của địa phương.
Nhiều cảng cá đã xuống cấp, chúng ta đâu phải xây dựng cảng cá hoành tráng, tổ chức như Nhật Bản… Cái gì làm được thì cứ làm, chứ đừng ngồi đó đợi dự án trung ương. Trước hết hãy để mỗi người dân, du khách khi đến bất kỳ cảng cá nào của địa phương cũng thấy được sự chỉn chu, gọn gàng".
Các khu chợ hải sản, cảng cá hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch nếu được đầu tư - Ảnh: MINH CHIẾN