Dù đông hay vắng, rạp vẫn cần những khán giả thực thụ đến để xem phim, thay vì những hàng ghế trống đã được bán - Ảnh: HOÀNG AN
Làm vậy, doanh thu vẫn là thật. Thậm chí, việc làm này giúp bộ phim có tỉ lệ lấp đầy "trong mơ", cao vọt lên hẳn so với nhiều phim khác. Bởi các hàng ghế đẹp đã được mua trước, khách đến rạp phải mua ghế xấu.
Nhưng làm vậy, có những suất chiếu chỉ có "khán giả ảo". Ở một số suất, phòng chiếu vắng tanh, theo mô tả của chính những khán giả gửi đến Tuổi Trẻ.
Khi mua vé, họ không mua nổi ghế đẹp. Nhưng khi vào rạp, họ chỉ thấy mình và những khán giả khác ngồi hàng ghế xấu. Vậy những người đã mua vé ở hàng ghế đẹp là ai? Vì sao họ không đến?
Hãy dành hàng ghế đẹp cho khán giả thật
Hiện, chưa thể khẳng định tình trạng này có phổ biến hay không. Nhưng khi Tuổi Trẻ phản ánh hai trường hợp, đặc biệt có trường hợp suất chiếu bán 117 vé nhưng rạp chỉ có 11 người, bạn đọc đã chia sẻ một số trải nghiệm tương tự với bộ phim này.
Bạn đọc Hương cho biết hôm 14-4, cô mua trên mạng thấy rạp kín nửa số ghế, nhưng khi vào rạp thì chỉ có hai người xem.
Một khán giả bình luận trên Tuổi Trẻ Online: "Tôi mua vé trên mạng, báo còn 8 chỗ hạng VIP, khi vào xem thì có đúng một hàng ghế đầy còn lại cả rạp rỗng, thật lố bịch.
Các bạn có thể ủng hộ bằng cách này hay cách khác, mua một ít vé chứ không nên làm thế này, có khi lại phản nghĩa".
Ở chiều ngược lại, một số khán giả cho rằng doanh thu phim được sử dụng để làm thiện nguyện. Do đó, dù ai mua vé và mua theo cách nào thì số tiền ấy vẫn sẽ đi theo con đường tích cực.
Dành cho bạn
Nhưng những khán giả phản đối cách làm này lại cho rằng nếu muốn ủng hộ nghệ sĩ, hãy để dành hàng ghế đẹp cho những ai thực sự đến xem phim.
"Push sale" nhưng đừng quá tay
Nói với Tuổi Trẻ, đại diện nhà rạp lấy ví dụ nhiều bộ phim tài liệu ca nhạc nước ngoài như của các nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, NCT cũng được người hâm mộ ủng hộ bằng cách bao rạp. Nhưng điều khác biệt là cộng đồng hâm mộ các nhóm nhạc trên không để xảy ra tình trạng phòng chiếu vắng tanh.
Việc bao rạp liên quan đến chiến lược "push sale" (đẩy doanh số) của các cộng đồng hâm mộ. Họ sử dụng tiền bạc của chính mình để tạo nên thành tích thương mại ấn tượng cho thần tượng.
Việc doanh số nhạc kỷ lục, doanh thu phim vượt trội, các vị trí cao chót vót trên những bảng xếp hạng uy tín mang về danh tiếng cho thần tượng, mang lại niềm tự hào cho người hâm mộ. "Tâm lý thành tích" trong văn hóa hâm mộ khiến fan luôn nỗ lực hết sức để xây dựng cho thần tượng một bảng vàng thành tích rực rỡ.
Nhưng dù vậy, việc mua vé nhưng không đến xem - dẫn đến một số phòng chiếu vắng tanh dù tỉ lệ lấp đầy trên giấy tờ là cao - khó có thể coi là cách vận hành lành mạnh của thị trường điện ảnh. Bởi mọi tác phẩm nghệ thuật được phổ biến - như phim được chiếu, sách được in - đều là để được thưởng thức và đồng cảm bởi công chúng.
Nếu làm như trên thì vô tình gửi đi một thông điệp: việc thưởng thức, đồng cảm với tác phẩm không quan trọng bằng tạo ra thành tích doanh thu, bất kể doanh thu đó dùng để làm gì.