Những tiếng ồn từ những căn hộ bên cạnh hay các tầng trên là nỗi ám ảnh của nhiều người đang sinh sống trong chung cư. Biện pháp trước mắt đối với những cư dân này là báo ban quản lý chung cư vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, về lâu dài, phương án khác hiệu quả là thiết kế, cải tạo lại căn hộ; áp dụng các biện pháp cách âm để hạn chế tiếng ồn ở chung cư.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tiếng ồn ở chung cư

Kiến trúc sư Đặng Cao Quốc Việt, Giám đốc công ty TNHH Tư vấn thiết kế kiến trúc và xây dựng UTA.A, cho biết tiếng ồn trong chung cư thường có 2 loại cơ bản: tiếng ồn truyền qua không khí và tiếng ồn truyền qua kết cấu.

Nguyên nhân của tiếng ồn truyền qua kết cấu là do căn hộ chung cư thường dùng chung một vách tường (với nhà phố dù sát nhau, nhưng thường là hai tường độc lập giáp vào nhau, độ dày tường thường 20 cm nên khả năng cách âm tốt hơn), ngăn chia giữa hai căn hộ với nhau. Còn bên trên là sàn các căn hộ, khi xây dựng hoàn thiện mặt sàn thường không có giải pháp cách âm tốt nên cũng dễ dàng phát sinh tiếng ồn.

Chuyển vào ở mới biết nhà chung cư quá ồn, cách âm kém: Phải làm sao?

Trong khi đó, tiếng ồn truyền qua không khí là tiếng ồn do các âm thanh tạo nên từ bên ngoài. Nếu cửa căn hộ được hoàn thiện tốt và cách âm thì tiếng ồn này cũng giảm bớt, còn không thì ở bên trong vẫn nghe thấy âm thanh một cách nhất định. Ngoài ra, một loại tiếng ồn khác là do khi sử dụng các thiết bị vệ sinh, làm gia tăng đột ngột áp suất từ đó đường ống va vào các hộp kỹ thuật nên gây ra tiếng động lớn.

Khi mua nhà chung cư, người dân cần biết và kiểm tra những gì để không gặp phải căn hộ không cách âm tốt?

Về cơ bản, theo KTS Việt, tiếng ồn trong chung cư là một nhược điểm cố hữu. Tuy nhiên, đó là với những chung cư cũ. Còn các chung cư mới hiện đại với độ hoàn thiện cao dường như cũng đã hạn chế tối đa tiếng ồn.

"Nếu có kiểm tra khi mua nhà thì chỉ có thể nhờ nhà kế bên hoặc lên tầng trên và tạo ra nguồn âm, sau đó ở lại căn hộ của mình để kiểm tra. Tuy nhiên việc kiểm tra này dường như bất khả thi", KTS Việt cho biết và nói thêm có những máy đo độ ồn cầm tay, nhưng không phải lúc nào những nhà xung quanh cũng phát ra tiếng ồn. Vì vậy, nếu muốn kiểm tra được, phải có thời gian ở trong căn hộ đủ lâu và có máy đo độ ồn cầm tay, cũng như có thể nghe được bằng tai.

Chuyển vào ở mới biết nhà chung cư quá ồn, cách âm kém: Phải làm sao?

Các giải pháp chống ồn

Theo KTS Việt, với tiếng ồn "dội" từ bên trên xuống thì rất khó để thuyết phục chủ căn hộ bên trên cải tạo lại sàn của họ. Vì vậy, giải pháp sẽ là đóng trần thạch cao, và tuyệt đối phải đóng kín. Nếu muốn tạo hình khe đèn thì phải có lớp trần tại khe đèn và cần được đóng kín. Ngoài ra, bên trên lớp trần thạch cao cần lót tấm cách âm như mút tiêu âm, cao su non, bông thủy tinh không phủ bạc… tùy vào điều kiện của gia chủ. Có như vậy sẽ tạo ra một khoảng không khí để giảm thiểu tiếng ồn từ bên trên.

Dành cho bạn

Ngoài ra, KTS Việt cũng nói rằng việc sinh sống trong chung cư cũng là ý thức chung của mỗi gia đình, vì vậy nếu được, gia chủ cũng nên cải tạo lại sàn căn hộ của mình để tránh "dội" âm thanh xuống tầng dưới. Có thể cải tạo bằng cách trải một lớp xốp lên sàn sẵn có, cộng lớp lưới mắt cáo, một lớp bê tông mỏng và cuối cùng là hoàn thiện bề mặt. Hoặc đơn giản hơn là trải một lớp xốp, rồi hoàn thiện bằng bề mặt sàn gỗ, cũng giảm thiểu được âm lượng xuống tầng dưới.

Chuyển vào ở mới biết nhà chung cư quá ồn, cách âm kém: Phải làm sao?

Đối với cách âm bức tường giáp với căn hộ khác, thì nên dùng các vật liệu tiêu âm dán lên tường, sau đó có thể đóng thạch cao và sơn hoàn thiện. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ làm độ dày tường tăng lên (ít nhất 15 cm) và chiếm một phần diện tích căn hộ. Chính vì vậy, nếu gia chủ sử dụng các biện pháp thiết kế nội thất ở không gian phòng ngủ tiếp giáp căn hộ khác, phần tường có thể thiết kế các mảng miếng ốp lát, hoặc các phần nệm trang trí… Bởi cơ bản về nguyên lý là tạo thêm một lớp hoàn thiện trên các phần tường này, các phần này không quá dày, sẽ không chiếm diện tích, vừa có tính thẩm mỹ cũng như vừa có công năng hạn chế tiếng ồn.

Hoặc nếu không dùng giải pháp trên, có thể sử dụng các vật liệu hoàn thiện để ốp lên tường, hoặc sơn một lớp sơn gai cũng giảm thiểu tiếng ồn. Với những phòng ngủ nhỏ, các vật liệu hoàn thiện trên tường cũng sẽ giúp giảm thiểu tiếng ồn.

Với những mảng tường lớn giáp với căn hộ bên cạnh, thường là ở khu vực phòng khách bếp ăn, cũng có thể sử dụng thủ pháp như trong các phòng ngủ nhỏ, hoặc đơn giản hơn là hoàn thiện sơn bề mặt với các hiệu ứng thô nhám từ đó cũng có thể hạn chế bớt tiếng ồn.

Chuyển vào ở mới biết nhà chung cư quá ồn, cách âm kém: Phải làm sao?

"Còn cửa kính có thể dùng cửa kính từ hai đến ba lớp, hoặc sử dụng thêm các "ron" cao su, nẹp cao su… để che kín các vị trí hở trên cửa, từ đó hạn chế tiếng ồn từ bên ngoài vào cũng như từ bên trong", KTS Việt chia sẻ.

Cuối cùng, KTS Việt cho biết, về kinh phí, tùy vào diện tích, hiện trạng, mức ồn của căn hộ cũng như khả năng tài chính của chủ nhà mới tính được các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, các vật liệu cách âm, cũng như các giải pháp nêu trên, dường như cũng tích hợp vào các giải pháp nội thất. Vì vậy, khi chủ nhà làm nội thất, hoặc cải tạo căn hộ, cần bàn bạc cụ thể với tư vấn thiết kế để tích hợp giải pháp chống ồn cho căn hộ của mình nếu thấy thực sự cần thiết.