Giá rao bán chung cư không sổ đỏ cũng tăng mạnh

Anh Lưu Thắng (Thanh Xuân, Hà Nội) kể anh mới bán xong căn hộ 93m2 tại quận Thanh Xuân với giá gần 5,8 tỷ đồng, tương đương hơn 62 triệu đồng/m2. Căn hộ này được anh Thắng mua vào năm 2020 với mức giá 3,4 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 4 năm sử dụng, căn hộ của anh Thắng đã tăng giá tới 70% so với thời điểm mua.

"Do chủ đầu tư có một số vi phạm khi thi công, nhà chưa có sổ (sổ hồng) nên tôi bán nhà bằng hợp đồng mua bán và lập vi bằng. Dù không có sổ đỏ nhưng mức giá bán được cũng khiến tôi ngỡ ngàng", anh nói. 

Anh Tuấn Thành (quê Hà Nam) chia sẻ, năm 2016 gia đình anh mua một căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích 56m2 tại dự án HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) với mức giá 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, căn hộ của anh vẫn chưa được cấp sổ.

Tới tháng 9 vừa qua, anh Thành có dự tính chuyển xuống nhà mặt đất nên rao bán với giá 2,5 tỷ đồng. Chỉ sau 2 tuần rao bán, anh đã bán xong. Như vậy, sau 8 năm sử dụng căn hộ của anh Thành vẫn tăng giá gấp 2 so với lúc mua.

"Ban đầu tôi nghĩ căn nhà không có sổ sẽ khó bán, nhưng rất bất ngờ có người liên hệ mua ngay. Thực tế, các căn hộ không có sổ đỏ tại dự án này vẫn được thực hiện mua bán bình thường", anh nói.

Chung cư cũ, không sổ ở Hà Nội vẫn tăng giá khiến chủ nhà bất ngờ

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, hiện nhiều căn hộ dù chưa có sổ đỏ nhưng vẫn được rao bán và người mua sẵn sàng chấp nhận "xuống tiền" vì giá bán "mềm" hơn so với các căn hộ pháp lý chuẩn chỉnh. Cụ thể, tại dự án HH Linh Đàm các căn hộ được rao bán với giá 39-46 triệu đồng/m2; dự án Stellar Garden (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giá rao bán từ 53 triệu đồng/m2 đến 63 triệu đồng/m2; 

Dự án Capital Garden (quận Đống Đa, Hà Nội) với các căn chung cư đang được rao bán với giá từ 51 triệu đồng/m2 đến 60 triệu đồng/m2. Dự án Việt Đức Complex dù chưa có sổ đỏ nhưng các căn chung cư được rao bán từ 50 triệu đồng/m2 đến 65 triệu đồng/m2...

Chuyên gia: Mua chung cư chưa có sổ sẽ gây ra nhiều rủi ro

Dành cho bạn

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nguyên nhân khiến giá chung cư cũ tăng cao là nhu cầu của người dân ngày càng nhiều. Trong khi đó, nguồn cung ra thị trường hầu hết đều ở phân khúc cao cấp và thiếu nhà ở giá vừa túi tiền. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, vốn, nhân công... ngày càng cao khiến giá nhà khó giảm trong ngắn hạn.

Ông nói, thực tế việc mua chung cư chưa có sổ đỏ, sổ hồng có thể sẽ gây ra nhiều rủi ro cho người mua. Do đó, trước khi xuống tiền người mua nhà cần cân nhắc kỹ tới yếu tố pháp lý, tránh những tranh chấp không đáng có.

Bà Phạm Thị Miền, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, đánh giá, thời gian qua, "sức nóng" của thị trường còn được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, với mức giá liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả xuất phát từ cung, cầu thực tế, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu "tạo nhiệt". Tình trạng này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở, và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường với mục đích lướt sóng, khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao bất hợp lý.

"Dấu hiệu tạo nhiệt còn thể hiện ở phân khúc căn hộ với mặt bằng giá chào bán căn hộ chuyển nhượng ngày càng cao, do sự tiếp tay của một số nhóm đầu cơ", bà Miền nhấn mạnh.

Tại họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chỉ rõ 2 nguyên nhân chính khiến nhà có giá cao là tình trạng đầu cơ và tâm lý thị trường. "Đầu cơ khiến giá tăng phi lý và người mua nhà có tâm lý mua nhà để chờ tăng giá, điều này khiến giá nhà càng tăng mạnh", ông nhấn mạnh.