Gen Z thường bị chỉ trích vì không giỏi xử lý căng thẳng trong công việc, nhưng theo một giáo sư tâm lý học Kathleen Pike, giảng viên Đại học Columbia (Mỹ), điều này phần lớn là do thế hệ này đã lớn lên mà không có ranh giới giữa công việc và cuộc sống.

"Khi thế hệ cũ bắt đầu đi làm, đó là một thế giới hoàn toàn khác. Có rất nhiều bài viết về việc Gen Z cần nghỉ ngơi nhiều hơn và không có khả năng phục hồi để chịu đựng và vượt qua một số tình huống công việc nhất định", Pike nói. "50 năm trước, khi những lãnh đạo ngày nay bước vào thị trường lao động, họ lái xe đi làm, không có điện thoại di động, không có Internet", bà tiếp tục.

Pike chỉ ra công nghệ là thủ phạm đằng sau việc vật lộn của các nhân sự trẻ tuổi. Trước đây, khi tan làm, các nhà quản lý không thể liên lạc với nhân viên nữa. Nhưng công nghệ hiện đại đã giết chết những khoảng thời gian rảnh rỗi.

Do đó, Gen Z chỉ đang cố gắng phân chia rõ ràng hơn giữa công việc và cuộc sống cá nhân. "Gen Z đang tìm cách đưa một số ranh giới trở lại vị trí của nó. Đây chính là sự khác biệt rõ ràng về thế hệ", giáo sư nhận xét.

Nhiều người lao động trẻ đang đi theo các xu hướng như "lương bao nhiêu, làm bấy nhiêu" hay "nghỉ việc trong im lặng" - chỉ làm ở mức tối thiểu để duy trì công việc và tránh kiệt sức.

Dành cho bạn

Dù đang bình thường hóa câu chuyện xoay quanh sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc, đôi khi Gen Z cũng quên mất sự khác biệt giữa cảm xúc bình thường và dấu hiệu của sức khỏe tâm thần có vấn đề. Thực tế cho thấy, để thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ, cảm xúc căng thẳng hay lo lắng là điều hữu ích.

"Thành công đến từ việc học cách đối đầu với thất bại, học cách xây dựng các kỹ năng, cách đề nghị giúp đỡ và cách xây dựng năng lực theo những cách chưa từng tồn tại. Đó là một phần của sự trưởng thành nơi công sở", chuyên gia khuyên những người trẻ.