Xóm trọ được nhiều người bán vé số thuê ở đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân, TP.HCM) im ắng. Họ vẫn miệt mài đi bán ngoài đường và trở về phòng trọ chật chội khi trời tối muộn. Họ không sắm sửa gì vào dịp tết, luôn mong nhận niềm vui từ hàng xóm, người mua vé số.
Miệt mài đi bán
Ở xóm trọ này, có người bị khuyết tật phải di chuyển bằng xe lăn, người không nhìn thấy ánh sáng, người có tay không được lành lặn… Họ thuê những phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp để có chỗ che mưa che nắng sau khoảng thời gian bán từng tờ vé số ngoài đường. Đây là công việc phù hợp với hoàn cảnh, tình hình sức khỏe và có thu nhập hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Hương (63 tuổi) từ khi sinh ra đã không có tứ chi, lớn lên trong vòng tay của các sơ trong mái ấm. Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, bà Hương lớn lên miệt mài đi kiếm sống. Bà cùng một người nữa thuê phòng trọ bán vé số, hai người nhận nhau là mẹ con nuôi. Người ở cùng bà Hương lớn tuổi hơn, không nhìn thấy ánh sáng, ngày ngày cùng kiếm tiền mưu sinh. Tuy nhiên, khoảng chục năm nay, người mẹ nuôi đó qua đời, bà Hương sống một mình, tự đẩy xe đi bán.
Bà Hương cho biết, mỗi tháng phải trả 1,8 triệu đồng tiền thuê trọ. Thời gian đi bán vô chừng, không cố định mỗi ngày. Những ngày tết, bà vẫn không nghỉ ngơi, ra ngoài kiếm tiền. Niềm vui của bà là nhận được những món quà từ người lạ, ai cho gì sẽ lấy đó làm bữa cơm tất niên.
"Ngày tết, nhiều người lì xì may mắn, tôi có thêm niềm vui khi đi bán ngoài đường. Chiều tối tôi lại tự đẩy xe về phòng trọ, đến đầu hẻm hàng xóm thấy đi chậm sẽ chạy đến đẩy vào giúp. Mọi người xung quanh rất tốt bụng, tôi đi bán về thường nhờ họ đếm tiền giúp, thường xuyên nhận cơm 0 đồng từ mọi người", bà Hương nói.
Bà Phạm Bích Hồng (48 tuổi, quê ở Tây Ninh) lên TP.HCM bôn ba kiếm sống từ năm 1990. Bà Hồng có 5 người con, 3 gái, 2 trai và 3 đứa cháu ngoại. Các con đã lớn có công việc riêng, bà ở chung với con gái và cháu ngoại, chồng ở chỗ khác để thuận tiện công việc.
"Bao nhiêu năm qua tôi đều ở lại thành phố ăn tết. Dịp tết có thêm 500.000 – 1 triệu đồng từ các mạnh thường quân, tôi sắm sửa ít đồ ăn cho con cháu. Tôi bán đến cuối năm, không nấu cơm tất niên, ai cho gì dùng đó. Tôi đi bán vé số ngày được hơn 100.000 đồng, không có tiền gói bánh, mua đồ đạc. Ngày đó ai cho bánh kẹo mang về cho cháu, ở chùa hay cho mấy đứa nhỏ sữa", bà Hồng nói.
Hàng xóm đùm bọc
Sống với nhiều người bán vé số trong xóm trọ nhiều năm qua, bà Kim Tuyến (54 tuổi) biết từng hoàn cảnh của mọi người. Người phụ nữ làm nghề may tại nhà không có nhiều tiền để giúp đỡ họ nhưng sẵn sàng vận động người thân, bạn bè… để có chút quà động viên những người kém may mắn. Do đó người bán vé số trong xóm thường xuyên được ăn no sau mỗi giờ đi bán với những suất cơm miễn phí.
Dành cho bạn
"Thực tình họ sống rất tội nghiệp, ngày tết cũng như ngày thường, không sum vầy gia đình. Năm nay tôi mới xin được một sư thầy 20 phần quà và dự định 20 tháng Chạp này sẽ trao cho mọi người trong xóm. Tôi không mong gì hơn ngoài việc những người kém may mắn được nhiều người yêu thương, giúp đỡ để họ vơi bớt sự cực khổ", người phụ nữ chia sẻ.
Bà Thủy (57 tuổi) bán tạp hóa trước hẻm, thường xuyên trò chuyện với những người bán vé số. Bà hy vọng những người kém may mắn được nhiều người thương yêu, giúp đỡ, đặc biệt vào dịp tết. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng nhìn chung ai nấy đều cực khổ kiếm tiền trả tiền phòng trọ, ăn uống.
"Những người có gia đình họ vẫn cùng nhau ăn uống, ai ở một mình ngày tết vẫn lo đi bán vé số. Những ngày sát tết họ đi từ sáng đến tối vì khách mua nhiều hơn ngày thường. Gần tết dễ bán hơn ngày thường, không ai ở nhà, những người bán vé số sống ở đây rất tử tế, hàng xóm quý mến" bà Thủy bày tỏ.