​​​​​​​

Bệnh nhi được cấp cứu sau một ngày trị bỏng bằng đắp lá. Ảnh: BVCC.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), Trung tâm Cấp cứu 115 Hùng Vương vừa cấp cứu cho trường hợp bệnh nhi 14 tuổi trong tình trạng đau đớn, phù nề, chảy dịch nước, biến dạng khuôn mặt, da mặt dính bẩn của lá cây.

Hai bàn tay và cổ tay của bệnh nhi cũng xuất hiện nhiều vết phồng rộp, chảy dịch.

Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nhanh chóng giảm đau, chống sốc và vệ sinh băng bỏng vùng tổn thương cho bệnh nhân.

Qua khai thác thông tin từ người nhà, bệnh nhi này bị bỏng từ một ngày trước. Tuy nhiên, trẻ không được đưa tới bệnh viện ngay mà đắp lá chữa bỏng tại nhà.

Dành cho bạn

Sau một ngày, mắt của bệnh nhi sưng nề, không mở được và cảm giác đau đớn, gia đình mới đưa con tới bệnh viện cấp cứu. Hiện trẻ tiếp tục được tích cực cấp cứu và giảm đau.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh viện đã cảnh báo nhiều lần về tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do đắp lá thuốc điều trị. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của phương pháp này.

Thực tế, ở nhiều bệnh nhân sau khi đắp lá, vùng bỏng hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, để lại di chứng nghiêm trọng.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, cây không rõ nguồn gốc. Nếu chẳng may bị bỏng, trước tiên bệnh nhân cần được tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch. Sau đó, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.