Ở trẻ em, nôn mửa và tiêu chảy được xem là hai nguyên nhân phổ biến nhất làm cho cơ thể bị mất nước, một nghiên cứu công bố trên chuyên san StatPearls tiết lộ. Những nguyên gây mất nước thường thấy khác là đổ mồ hôi nhiều, đi tiểu nhiều và không uống đủ nước.

Những dấu hiệu cảnh báo con bạn đang bị thiếu nước - ảnh 1

Cơ thể trẻ em dễ bị mất nước hơn người trưởng thành vì nhu cầu trao đổi chất của cơ thể cao

Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có tác dụng phụ gây mất nước, chẳng hạn như các loại thuốc lợi tiểu, nhuận tràng và một số loại điều trị huyết áp cao.

Khi bị mất nước, cơ thể không đủ chất lỏng để hoạt động một cách bình thường. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.

Ở trẻ em, dấu hiệu mất nước thường gặp là khô miệng, lưỡi, không chảy nước mắt khi khóc. Không những vậy, nước tiểu của trẻ sẽ có màu vàng đậm. Hiện tượng này là do cơ thể trẻ không được cung cấp đủ chất lỏng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Trẻ bị mất nước có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, dẫn đến ít vận động hơn bình thường. Trẻ cũng bị hoa mắt, chóng mặt và trũng mắt.

Dành cho bạn

Những dấu hiệu cảnh báo con bạn đang bị thiếu nước - ảnh 2

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu mất nước thì cần phải cho uống nước ngay

Trẻ em có nguy cơ cao bị mất nước không chỉ vì trẻ có quá trình trao đổi chất cao mà còn vì trẻ mê chơi và quên uống nước. Do đó, cha mẹ cần chú ý để cho trẻ uống đủ nước, nhất là khi trẻ chơi ngoài trời hay những hôm nóng bức.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu mất nước thì cần phải cho uống nước ngay. Tuy nhiên, cha mẹ cần tránh cho trẻ uống các loại thức uống có nhiều caffein như trà, cà phê hay nước tăng lực. Caffein là chất lợi tiểu, kích thích đào thải nước ra khỏi cơ thể nên có thể khiến trẻ mất nước nhiều hơn, đặc biệt là trẻ đang bị tiêu chảy, nôn mửa.

Với những trường hợp cơ thể bị mất nước nghiêm trọng thì cần phải được đưa đến bệnh viện điều trị. Bác sĩ sẽ cho truyền dịch để sớm bù lượng chất lỏng bị mất.