Mới đây, một bé gái 7 tuổi trong lúc tắm biển ở Nha Trang đột nhiên bất tỉnh, hai tay nổi mẩn đỏ dày đặc.
Khi được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, bé trong tình trạng sốt, nhiều vị trí ở vùng tay có vết bỏng nặng. Dựa trên lời kể của người nhà, bác sĩ xác định, cháu bé đã bị sứa đốt gây nên tình trạng trên.
Bé gái đi tắm biển bị sứa làm bỏng da (Ảnh: Minh Châu).
Hàng loạt người "gặp họa" khi đi biển mùa hè
Sự việc dù không gây nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhi nhưng cũng khiến gia đình bị một phen sợ hãi. Đây cũng đang là dịp hè, nên nhiều người không khỏi lo lắng khi đã có lịch trình du lịch biển. Bởi trước đây, từng có trường hợp sốc phản vệ sau khi bị sứa đốt, dẫn đến khó thở, đau bụng, tiêu chảy...
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 27/6, bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, chỉ trong tháng 6, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 3-5 trường hợp đến khám vì bỏng sứa (viêm da tiếp xúc dị ứng).
Nếu theo thống kê hàng năm, các bệnh nhân gặp phải tình trạng này sẽ đặc biệt tăng lên trong mùa hè, khi mọi người đi du lịch tắm biển nhiều.
Một trường hợp da trợt rỉ dịch, lở loét vì bị bỏng sứa (Ảnh: BV).
Như trường hợp của bé gái 8 tuổi, từng được gia đình đưa đến bệnh viện cầu cứu trước đây vì có biểu hiện viêm da, nổi nhiều bóng nước kèm đau rát vùng cánh tay phải.
Theo lời kể của người nhà, trước đó mấy ngày, bé có tắm biển gần nhà ở Bình Thuận mà không biết lúc này là mùa sứa biển.
Sau khi lên bờ, bé cảm thấy da vùng cánh tay phải đau rát, sau đó trên từ từ xuất hiện những mảng đỏ và nổi nhiều bóng nước căng, đau. Khi vào bệnh viện chuyên khoa da liễu ở TPHCM, da bé đã có bóng nước, trợt rỉ dịch, nhiều chỗ đóng mài dày.
Trải qua 1 tuần theo dõi, điều trị kháng sinh, kháng viêm và thuốc thoa tại chỗ, da bé mới lành lại và được cho xuất viện, tiếp tục điều trị tại nhà.
Dành cho bạn
Theo bác sĩ Thảo, bỏng sứa thường chỉ gây ảnh hưởng trên da và không lây cho người khác. Tuy nhiên, nếu không điều trị và được hướng dẫn chăm sóc đúng cách, vết bỏng có thể lan rộng, gây ảnh hưởng sức khỏe nặng hơn.
Cảnh báo sai lầm khi bị bỏng sứa
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Lê Trung, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, viêm da tiếp xúc cấp tính là một loại phản ứng của cơ thể, khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng mạnh từ bên ngoài. Trong trường hợp này, chất gây kích ứng là nọc độc sứa biển.
Biểu hiện bệnh thường xảy ra sớm, sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, bao gồm cảm giác châm chích, ngứa, đau rát, đỏ da. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện các mụn nước, bóng nước, trợt da, nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi trùng.
Cũng theo bác sĩ Trung, khi bị sứa biển gây bỏng, người dân cần rời khỏi vùng nước có sứa, rửa vết thương bằng nước sạch, giữ vệ sinh vùng da bệnh. Có thể dùng các thuốc chống dị ứng, thoa dưỡng ẩm để làm dịu da.
Nếu tình trạng da không cải thiện sau vài ngày hoặc ngày càng diễn tiến lan rộng, đặc biệt đối với các vết bỏng sứa nặng, bệnh nhân nên đến khám và điều trị sớm tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa da liễu.
Khi bị sứa biển gây bỏng, người dân không đắp lá cây, chà cát vì có thể sẽ làm vết thương nhiễm trùng nặng nề hơn (Ảnh minh họa: BV).
Đặc biệt, không nên chườm đá, chườm nước nóng, đắp lá cây, chà cát ở bãi biển hay sử dụng các biện pháp dân gian truyền miệng khác, vì có thể sẽ làm vết thương kích ứng hoặc nhiễm trùng nặng nề hơn.
"Người dân hạn chế không sờ vào vùng da bị tổn thương để tránh sự lan rộng, thoa thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tránh tự ý sử dụng thuốc không đúng loại" - bác sĩ phân tích.
Các bác sĩ cho biết, mùa hè là thời điểm hoạt động du lịch biển tăng cao. Khi đi tắm biển, người dân hãy chú ý tìm hiểu kỹ thông tin về bãi biển hoặc hỏi người dân địa phương về sự xuất hiện của sứa, đặc biệt là sứa lửa. Từ đó, có những chủ động trong phòng tránh và chuẩn bị thuốc phù hợp mang theo.