Đó là trường hợp của bé H.T. (13 tháng tuổi), nằm điều trị hơn một tháng qua tại một bệnh viện ở TPHCM.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh P. (cha bé T.) cho biết, trước đó vợ chồng anh gửi con gái đầu lòng cho bà để đi làm. Khoảng cuối tháng 12/2022, bé T. có triệu chứng sốt kéo dài, bỏ bú nên vợ chồng anh đưa đi bệnh viện kiểm tra.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi, cần nhập viện theo dõi. Quá trình nằm viện, người mẹ cho con ăn thì thấy bé có cảm giác nghẹn, tím tái và sưng cổ nên vội đưa con vào phòng cấp cứu. Lúc này, bác sĩ nghi ngờ bé hóc dị vật nên tiến hành chụp CT thì phát hiện có vật có mảnh xương nằm tại vùng thực quản cháu bé.
Lập tức, bệnh nhi được đưa đến phòng mổ để thực hiện thủ thuật lấy dị vật. Quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện 2 mảnh xương lươn lớn đã làm thủng một lỗ lớn tại thực quản, gây áp xe và tràn dịch ở trung thất (phần quan trọng của lồng ngực).
Dị vật là các mảnh xương lươn lớn đâm thủng thực quản bé gái (Ảnh: PN).
Lúc này, vợ chồng anh P. mới hỏi lại người thân thì được bà bé cho biết, trước ngày nhập viện có nấu cháo lươn cho cháu ăn nhưng không phát hiện trong cháo vẫn còn xương.
Những ngày sau đó, bệnh nhi tiếp tục được can thiệp nhiều lần và điều trị kháng sinh mạnh, nhưng vết thương ở thực quản không lành. Đến ngày 6/2, các bác sĩ quyết định mổ khâu lỗ thủng thực quản. Hậu phẫu, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn chưa biết thời điểm nào có thể xuất viện.
"Tổng cộng, con tôi phải lên phòng mổ 7 lần, viện phí đóng hơn 40 triệu đồng, vì dùng nhiều kháng sinh mạnh ngoài danh mục bảo hiểm. Trải qua sự việc này, tôi mong các phụ huynh khi cho trẻ ăn hay làm bất cứ việc gì cũng phải cẩn trọng, đừng để xảy ra chuyện giống con tôi, lỡ không may mắn vượt qua được thì hối hận không kịp" - người cha trải lòng.
Dành cho bạn
Một trường hợp trẻ bị hóc xương lươn nguy hiểm tính mạng, cấp cứu ở TPHCM trước đó (Ảnh: BV).
Các bác sĩ cho biết, những trường hợp dị vật xuyên qua thực quản vào trung thất sẽ tạo thành ổ áp xe, đe dọa tính mạng trẻ. Trong những trường hợp phẫu thuật vùng khó tiếp cận, vùng sâu, sát tim, cần ưu tiên can thiệp bằng phẫu thuật nội soi.
Riêng với trường hợp của bé T., ekip điều trị phải phẫu thuật tổng cộng 3 lần (để lấy dị vật và xử lý vết thủng thực quản), bơm rửa mủ vết thương 4 lần.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần lưu ý thật cẩn thận khi cho bé ăn những thức ăn có nhiều xương nhỏ. Đặc biệt là trẻ ở độ tuổi ăn dặm, thức ăn cần kiểm tra kỹ bằng mắt, tay hoặc lọc qua rây, để chắc chắn đã loại bỏ hết xương ra.
Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, ăn trái cây phải lấy hạt ra hết, khi cho uống thuốc nên chọn dạng si rô hay bột pha nước, hạn chế dùng thuốc viên để không xảy ra tai nạn hóc dị vật nguy hiểm.