Mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh nữ điều dưỡng cấp cứu một bé sơ sinh 7 ngày tuổi bị sặc sữa trên xe taxi. Nữ điều dưỡng thực hiện các thao tác cấp cứu như ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp và liên tục nói: "Cố lên, cố lên, cố lên con…".
Vừa cấp cứu, người này nhắc người mẹ ở bên: "Chị đang cố gắng hết sức đây, chị là y tá nhi. Chị đừng có khóc nữa để cho chị bình tĩnh. Đánh mạnh vào chân con đi cho con có phản xạ khóc đi xem nào". Mẹ bé vì quá hoảng loạn, không giữ được bình tĩnh đã khóc liên tục. Toàn bộ vụ việc được camera hành trình trên xe taxi ghi lại trong lúc chở đến bệnh viện sớm nhất.
Chạy nhanh đến cấp cứu cho bé
Bé được đưa đến BV Đa khoa H.Thủy Nguyên (Hải Phòng) và tiếp tục được các bác sĩ, nhân viên y tế hỗ trợ. Điều kỳ diệu đã xảy ra sau các thao tác cấp cứu kịp thời, bé có mạch đập trở lại và được chuyển đến BV Trẻ em Hải Phòng tiếp tục điều trị.
Xem đoạn clip nhiều người nói rằng tim không khỏi thắt lại, cầu mong bé được khỏe mạnh trở lại. Ai nấy đều gửi lời cảm ơn đến nữ điều dưỡng vì đã cứu bé kịp thời, bé như được sinh ra lần thứ hai.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Thảo (34 tuổi), điều dưỡng Khoa Hô hấp, BV Trẻ em Hải Phòng cho biết, khoảng 21 giờ ngày 4.7, chị và chồng chở con đi chơi về. Đến gần nhà bé, thấy ông nội bế bé trên tay và hô hoán thất thanh. Linh cảm của một người mẹ chị thấy có điều chẳng lành nên bảo chồng dừng xe lại, giữ con để chị chạy vào xem tình hình.
Chị chạy vào và thấy bé đã tím tái, không khóc, không phản xạ. Chị nhanh chóng bảo ông nội bé đưa đi cấp cứu và nói bản thân là nhân viên y tế, lên xe cùng hỗ trợ. Chị thấy có chiếc xe taxi đậu sẵn nên bế bé vào ghế sau và thực hiện các thao tác cấp cứu, đồng thời bảo tài xế chở đến BV Đa khoa H.Thủy Nguyên.
"Khi ép tim và hà hơi thổi ngạt, tôi thấy miệng và mũi của bé trào sữa ra rất nhiều. Tôi xác định bé bị sặc sữa và bảo mẹ đưa cái khăn sữa để lau cho bé. Do vội quá mẹ bé không đưa khăn sữa mà chỉ có chiếc khăn quấn, tôi lấy tạm và móc đờm, móc dãi cho bé. Tôi phải ép tim, hà hơi thổi ngạt khoảng 3 – 4 lần sữa mới ra hết, khai thông đường thở. Sau đó, tôi tiếp tục làm các thao tác cấp cứu đến khi tới BV. Việc cấp cứu bé trên taxi diễn ra trong khoảng 3 phút", chị Thảo nói.
Cũng theo chị Thảo, lúc đến BV, bệnh nhân chỉ đỡ tím tái nhưng chưa hồng trở lại. Chị bế bé xuống và hỏi nhân viên Khoa Hồi sức cấp cứu và bế bé chạy một mạch đến khu vực đó.
Dành cho bạn
"Tôi liền nói với các bác sĩ ở đó bệnh nhân này đã ngừng thở, ngừng tim anh chị chuẩn bị nội khí quản, bóp bóng để cấp cứu cho bé. Lúc đó, tôi vẫn tiếp tục ép tim còn một người bóp bóng. Bé hồng trở lại và sau đó không lâu mạch bé đập trở lại. Mọi người ở lại cấp cứu cho bé còn tôi ra ngoài bảo với chồng chở về vì lúc đó tôi cũng choáng", chị Thảo nói.
Mừng cho bé và gia đình
Nữ điều dưỡng nói rằng, lúc chạy đến thấy bé đang nguy hiểm, chị không suy nghĩ nhiều chỉ biết cấp cứu cho bé. Trên xe, chị không bị phân tán, tập trung cứu sống đứa bé và nói anh tài xế chở đến BV gần nhất.
"Trong hoàn cảnh đó, không bà mẹ nào có thể giữ được bình tĩnh nên tôi cũng hiểu cho tâm lý của mẹ bé lúc đó. Vì vậy, tôi mong mọi người không công kích, trách móc đến người mẹ. Tôi cũng đọc được những bình luận đó và ngay lập tức đã nhắn tin cho họ nhờ xóa hoặc ẩn vì người mẹ không đáng trách", nữ điều dưỡng nói.
Chị Thảo có 13 năm công tác trong ngành điều dưỡng. Trước đây, chị công tác tại Khoa Sơ sinh được 4 năm nên cũng có kinh nghiệm trong việc chăm sóc, cấp cứu. Ngoài ra, BV cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế. "Hôm đó, tôi mất ngủ cả đêm vì lo lắng không biết bé có bị ảnh hưởng đến não không. Khi biết em bé đã ổn định trở lại, ăn ngủ tốt, tôi rất mừng và nhẹ nhõm", chị Thảo trải lòng.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Khoa điều dưỡng, BV Trẻ em Hải Phòng cho biết sức khỏe của bé đã ổn, các chỉ số trở về bình thường nhưng vẫn phải theo dõi ở Khoa Hồi sức cấp cứu.
"BV tuyên dương và đánh giá cao tinh thần của chị Thảo trong việc kịp thời cứu đứa bé bị sặc sữa. Điều dưỡng Thảo công tác ở BV từ năm 2011 luôn hoàn thành các nhiệm vụ. Nữ nhân viên có chuyên môn tốt, hòa đồng với mọi người. Chúng tôi cũng đang đề xuất khen thưởng đến nữ điều dưỡng đến cấp trên", chị Tuyết nói.