Xuôi theo dòng sông Hồng, người ta thường quen với cảnh tàu thuyền ngược xuôi nhộn nhịp, hối hả. Nhưng cũng có một khung cảnh khác, lặng lẽ hơn, một mảnh ghép trong bức tranh đời sống sông nước chính là những xóm chài ven sông dưới chân cầu Nhật Tân.

Những phận người sống dưới sông mong ước được một lần ăn Tết trên bờ - 1

Ở xóm chài dưới chân cầu Nhật Tân (Hà Nội), nhiều thế hệ nối tiếp nhau sinh sống trên những chiếc bè tạm bợ, mưu sinh theo con nước sông Hồng.

Kiếm sống theo con nước đổi màu

Ngay dưới chân cầu Nhật Tân, những "ngôi nhà" được chắp vá đủ thứ, nào vải bạt, mền cũ hay những chiếc phao làm bằng thùng phi dập dềnh trên mặt nước.

Qua bao thế hệ, những người dân xóm chài vẫn bám trụ lại theo con nước sông Hồng, mưu sinh với nghề chài lưới... bởi chẳng còn lựa chọn nào khác. Một người sống ở đây nghẹn ngào: "Không ở đây thì ở đâu".

Tết cận kề, ngoài đường tấp nập người mua sắm. Vườn đào ngay trên bờ cũng đông người qua lại nhưng không khí ở xóm chài không khác gì ngày thường, vẫn cảnh đìu hiu, ảm đạm.

Những phận người sống dưới sông mong ước được một lần ăn Tết trên bờ - 2

Những "ngôi nhà" được chắp vá bằng đủ thứ nguyên vật liệu.

So với trên bờ, Tết của người dân xóm chài bắt đầu muộn và kết thúc sớm. Không đào, không quất, Tết của người dân nơi đây là ước mong sớm được lên bờ. Thế nhưng, bao năm nay, mong ước này cứ mãi lênh đênh.

Đang vội vàng sửa sang lại lưới đánh bắt cá bị rách cùng cánh quạt thuyền hỏng, chị Nguyễn Thị Hiếu (37 tuổi) nói với lên bờ: "Cả ngày nay thả hai mẻ lưới mà chưa bắt được con cá nào. Mùa này mà đánh bắt thủ công thì đúng là chỉ chờ ăn may".

Sinh ra bên bờ sông Hồng và có hơn 20 năm làm nghề chài lưới trên sông, cuộc sống của mấy mẹ con chị Hiếu đều trông nhờ cả vào sản vật của dòng sông này, đói no phụ thuộc vào từng con nước. Gần Tết không đánh bắt được cá, bà mẹ đơn thân này tranh thủ làm thêm ở vườn đào để có thêm thu nhập.

Những phận người sống dưới sông mong ước được một lần ăn Tết trên bờ - 3

Cuộc sống của ba mẹ con chị Hiếu gắn liền với nghề chài lưới trên sông.

"Cuộc sống 3 mẹ con đều trông chờ vào những tấm lưới thả dưới sông nhưng bấp bênh lắm. Có tuần nước sông thay đổi đánh không được con cá nào. Mùa này đánh bắt được ít, tôi chuyển lên bờ xin đi làm thuê ở vườn đào. Thu nhập không nhiều nhưng còn hơn ở dưới sông.

Hai cô con gái, một lớp 7, một lớp 8. Năm nay khó khăn quá, kiếm không ra tiền, tôi một mình không lo được. Năm học vừa rồi thầy giáo trong lớp phải hỗ trợ kêu gọi mua thẻ bảo hiểm y tế cho các con. Nhiều phụ huynh biết hoàn cảnh gia đình tôi cũng hỗ trợ, cho tiền học", chị Hiếu tâm sự.

Đa số những người mưu sinh trên sông nước như chị Hiếu đều không có đất trên bờ. Nhiều năm qua, 3 mẹ con chị sống tạm bợ trên chiếc thuyền nhỏ. Trớ trêu thay, cơn bão 10 năm về trước mưa to, gió lớn đánh chìm chỗ ở của 3 mẹ con. Giữa đêm, chị Hiếu ôm hai con vội vã chạy lên bờ tránh nạn.

"Sau lần đó, người dân thương tình đã nhường cho vài mét đất để 3 mẹ con dựng tạm túp lều ở tạm. Khổ nỗi, lều dựng lên chưa được bao lâu thì bị sập, mọi người thương quá nên người cho ít gạch cũ, người xây hộ nên giờ mới có chỗ che mưa nắng.

Những phận người sống dưới sông mong ước được một lần ăn Tết trên bờ - 4

Mùa rét đánh bắt được ít, chị Hiếu vừa thả lưới vừa xin đi làm thêm trên vườn đào để có thêm thu nhập.

Hằng ngày đánh được con cá nào nhiều thì bán, ít thì để lại mấy mẹ con ăn, rau hái tại vườn, thi thoảng cải thiện thêm cho con bữa thịt. Có lần đi từ 12 giờ đêm đến 6h tối hôm sau vì không có cá, nhưng nghĩ đến con, vẫn phải cố", chị Hiểu chia sẻ.

Dành cho bạn

Năm mới sắp đến, chị bảo nghĩ đến Tết lại ngại ngần vì không dám đi chơi nhà anh em, họ hàng bởi chị không có tiền để mừng tuổi. Số tiền chị kiếm được chỉ đủ mua cho con bộ quần áo, mua con gà và vài cái bánh chưng ăn Tết.

"Chưa năm nào mấy mẹ con được đi chúc Tết. Tết đến chơi họ hàng cũng phải có tiền mừng tuổi nhưng mình không có nên tôi và các con toàn ở nhà. Năm nào cũng vậy, mấy mẹ con chả dám đi đâu, toàn thấy mọi người ra đây mừng tuổi", chị Hiếu kể.

Mơ ước ăn Tết trên bờ

Với người dân xóm chài, nghề "câu cơm" duy nhất hiện nay vất vả, khó khăn hơn vì nguồn lợi thủy sản ở sông Hồng ngày càng cạn kiệt. Cuộc sống vốn đã khó nay lại càng khốn khó, cơ cực hơn.

Những phận người sống dưới sông mong ước được một lần ăn Tết trên bờ - 5

Chiếc thuyền rộng hơn 10m2 chắp vá bằng đủ thứ nguyên liệu là nơi gia đình anh Tĩnh sinh sống.

Ba thế hệ đều sinh sống trên sông, gia đình anh Bì Văn Tĩnh (45 tuổi, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) đã hơn 40 năm ăn Tết trên thuyền. Với vợ chồng anh, được ăn Tết trên bờ là niềm mong ước chưa lúc nào nguôi.

Anh Tĩnh kể, Tết tại xóm này chẳng khác gì ngày thường, buồn lắm. Cuộc sống sông nước vốn chỉ đắp đổi đủ ăn nên dù Tết đã cận kề cũng chẳng có chút không khí.

"Lo miếng ăn hàng ngày còn vất vả, nói gì mua đào quất chơi Tết. Tết dưới thuyền chỉ con gà, cái giò với vài miếng bánh chưng là đủ lắm rồi", anh Tĩnh nói.

Những phận người sống dưới sông mong ước được một lần ăn Tết trên bờ - 6

Sau hơn 15 giờ lênh đênh thả lưới trên sông, vợ chồng anh Tĩnh bắt được 4 con cá chép.

Những phận người sống dưới sông mong ước được một lần ăn Tết trên bờ - 7

Anh Tĩnh khoe chiến tích sau mấy hôm "móm" liên tục.

Trên chiếc thuyền nhỏ hơn 10m2 trôi nổi trên sông, gia đình anh Tĩnh có 4 người sinh sống. Con trai lớn đi làm thuê, còn vợ chồng anh hằng ngày vẫn đi đánh cá chắt bóp từng đồng nuôi con trai út đi học. Năm nào hai vợ chồng cũng "nghỉ Tết" vào tối 29 Tết.

"Mấy chục năm hai vợ chồng ăn Tết trên sông thì thấy bình thường chứ giờ các con dần trưởng thành, mình luôn mong được một lần cả nhà được lên bờ ăn Tết chứ dưới này buồn lắm", chỉ về chiếc thuyền cũ kĩ, anh Tĩnh thở dài.

Những phận người sống dưới sông mong ước được một lần ăn Tết trên bờ - 8

Dù ước mơ được lên bờ sinh sống của vợ chồng chị Vẽ chưa lúc nào nguôi ngoai nhưng hiện cũng chưa thấy hướng nào.

Chị Nguyễn Thị Vẽ (vợ anh Tĩnh) cho biết, mỗi khi Tết đến, không riêng gì gia đình chị mà hơn chục hộ khác lại thấy chạnh lòng. Dù từ thuyền lên bờ chỉ vài mét nhưng không khí trái ngược đến lạ. Hỏi chị dự định khi nào lên bờ ăn Tết, chị bảo chỉ dám mơ chứ tiền đâu mà lên bờ.

"Đời hai vợ chồng sống dưới này quen rồi thì sao cũng được chỉ mong những đứa con, cháu sau này không phải tiếp tục sống như vậy. Ở trên này bất tiện lắm, cả nhà 4 người phải sống chen chúc. Gia đình khó khăn nên đành phải chấp nhận", chị Vẽ cho biết.