Giữa tháng 10, Phòng CSGT - Công an TP.HCM đã phát cảnh báo về tình trạng tai nạn giao thông xuất phát từ việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng khi lái xe.
Theo CSGT, khi điều khiển xe trên đường, việc sử dụng các thiết bị nghe nhìn như điện thoại hay máy tính bảng để phục vụ nhu cầu giải trí, đàm thoại… sẽ trở thành mối nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Từ cảnh báo này, phóng viên Báo Thanh Niên đã có mặt tại một số tuyến đường, giao lộ để ghi nhận thực tế tình trạng người vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại di động hiện nay.
Ghi nhận vào ngày 21 - 22.10 và một số ngày khác nhận thấy hầu hết tại các con đường trên địa bàn thành phố, không khó bắt gặp nhiều trường hợp người điều khiển xe máy vừa sử dụng điện thoại vừa chạy xe.
Có mặt khoảng 30 phút (từ 15 giờ 30 - 16 giờ, ngày 21.10), tại đường Nguyễn Văn Cừ (ngay chân cầu vượt bộ hành trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Q.5) đã ghi nhận có gần 15 trường hợp vi phạm giao thông với lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe.
Đáng lưu ý là trường hợp người đàn ông đi xe máy, lưu thông từ hướng vòng xoay Lý Thái Tổ vào Nguyễn Văn Cừ mắt luôn hướng về điện thoại đang cầm trên tay. Người đàn ông này vừa chạy vừa cầm điện thoại sử dụng trên đoạn đường dài, liên tục trong hơn 3 phút. Lắm lúc vì mải mê xem điện thoại nên tay lái bị loạng choạng mất thăng bằng.
Một trường hợp khác vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại nhưng lại chạy với tốc độ cao. Cá biệt hơn, có trường hợp sử dụng điện thoại còn không đội nón bảo hiểm. Đa phần các trường hợp sử dụng điện thoại này rơi vào các tài xế xe ôm công nghệ.
Anh Hoàng Ngọc Minh (một tài xế xe ôm công nghệ, ngụ Q.Gò Vấp) cho biết: "Vì mới chạy xe công nghệ chưa biết đường nên tôi lắp chỗ để điện thoại trên cổ xe để vừa chạy xe vừa dễ nhìn điện thoại. Trong lúc di chuyển có thể tiện xem bản đồ, dò đường, xác nhận đơn của khách. Hầu như cuốc xe nào tôi cũng vậy."
Tuy nhiên, khi tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, nhiều lúc anh bị giật mình, thắng gấp vì không kịp quan sát từ trước.
Anh Minh cho biết bản thân nhận thức được nguy hiểm khi sử dụng điện thoại và đây là hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, "nếu bỏ điện thoại vô túi thì rất bất tiện, phải dừng xe lại liên tục để lấy ra. Vì tính chất công việc nên mình đành như vậy", anh cho hay.
Dành cho bạn
Tại đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), ghi nhận hôm 22.10, lúc 14 giờ 40 - 15 giờ, chỉ 20 phút ghi nhận có đến 4 trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe, trong đó có đến 3 người là tài xế công nghệ. Những người này tay phải lái, tay trái cầm điện thoại xem bản đồ, xác nhận đơn, mắt nhìn chăm chăm vào màn hình bất chấp đường nhỏ, đông xe, gần trường học yêu cầu phải quan sát cẩn thận khi lưu thông.
Tại đường Hoàng Minh Giám (khu vực công viên Gia Định, Q.Gò Vấp), ghi nhận vào ngày 22.10, từ 9 giờ 20 - 9 giờ 45, cứ mỗi lượt chờ đèn đỏ, ghi nhận khoảng 5 người dùng điện thoại. Đến khi đèn xanh, một trường hợp vẫn tiếp tục nhìn màn hình trong lúc băng qua nút giao đông người. Một trường hợp khác thay vì tấp xe vào lề thì tài xế xe ôm công nghệ này vừa điều khiển tay lái vừa bấm điện thoại đặt ở đầu xe suốt 2 phút cho đến khi chạy lên cầu vượt vòng xoay Nguyễn Thái Sơn mới thôi.
Tài xế xe công nghệ Đỗ Văn Tuấn (Q.11) cho biết sử dụng điện thoại khi lái xe là trường hợp điển hình của người làm nghề. Tuy nhiên, với anh lại chọn cách dùng tai nghe bluetooth để nghe thông báo thay vì đặt điện thoại ở đầu xe. Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi sống ở TP.HCM mười mấy năm nên đã thuộc đường, chỉ xem điện thoại lúc nhận đơn để biết điểm đón và điểm đến của khách. Tuy nhiên, với một số tài xế công nghệ chưa rành đường, phải nhìn bản đồ liên tục, nếu không dùng điện thoại thì sẽ gặp khó khăn trong việc định hướng".
Anh Tuấn cho biết trên ứng dụng cũng đã có thông báo về nguy cơ tai nạn của thói quen nguy hiểm này. Bên cạnh đó, anh luôn ý thức được việc đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu trong quá trình chạy xe, không sử dụng điện thoại vì đây là hành vi phạm luật giao thông, có thể tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho chính bản thân và những người xung quanh.
Trong khi đó, ghi nhận tại một số tuyến đường trong những ngày sau đó như: Nguyễn Thị Minh Khai, Cao Thắng, Trương Định, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng 8… cũng không khó để nhận thấy người đang điều khiển xe máy sử dụng điện thoại.
Phân tích các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn CSGT nhìn nhận, trong các trường hợp gây tai nạn giao thông, nguyên nhân do người lái xe thiếu tập trung quan sát chiếm tỉ lệ cao, trong đó có hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện. Đối với xe máy, việc điều khiển xe bằng một tay khi sử dụng điện thoại làm giảm khả năng linh hoạt điều hướng phương tiện so với điều khiển xe bằng cả hai tay.