Vì sao nhiều gia chủ chọn lắp thang máy?
Ths.KTS Trương Ngọc Quỳnh Châu, giảng viên ngành kiến trúc, Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết, trước đây thang máy chỉ dùng cho các công trình công cộng hoặc chung cư có 6 tầng trở lên do giá thành cao và đòi hỏi công tác thi công phức tạp. Còn hiện nay, do chất lượng sống được nâng cao nên nhu cầu về không gian sinh hoạt cũng được nhiều người quan tâm nhiều hơn. Đồng thời các sản phẩm công nghệ thang máy phát triển giúp cho kích thước, tải trọng đa dạng, giá thành hợp lý nên được các gia đình chọn lắp đặt ngày càng nhiều.
Trong thiết kế nhà phố hiện nay, KTS nhận được yêu cầu đặt ra ngay từ đầu về nhu cầu cần có thang máy, đặc biệt với những gia đình có người lớn tuổi, con nhỏ; nhà kinh doanh dưới trệt cần kết hợp di chuyển người và hàng hóa lên, xuống; phòng thờ bố trí trên tầng sân thượng; không gian bếp ăn và sinh hoạt chung lên tầng cao, hay chủ nhà thích trồng cây cảnh, rau sạch trên sân thượng. Thang máy trong nhà phố đang dần trở thành một trang thiết bị hiện đại nhằm tăng cường tính thẩm mỹ, sự sang trọng, tính tiện ích cho không gian nội thất và đây cũng là đặc điểm để định giá giá trị ngôi nhà về mặt tiện nghi sử dụng.
Thang máy nhà phố hiện nay có nhiều loại, loại nhỏ nhất có tải trọng tối thiểu 200 kg và hố thang có diện tích khoảng 2 m2, hành trình tối đa khoảng 15 m, chiều sâu hố pit và chiều cao tầng trên cùng rất thấp. Ngoài ra còn có các loại thang máy cáp kéo, trục vít, thủy lực hay thang máy chân không. Tùy vào đặc điểm nhà cải tạo hay nhà xây mới mà chuyên gia về thang máy sẽ tư vấn chọn loại thang máy phù hợp.
Trong trường hợp ngôi nhà bị giới hạn chiều cao thì sẽ chọn phương án thang máy có phòng máy hay không có phòng máy. Ngoài ra, một lý do khiến nhu cầu thang máy cho gia đình đang nở rộ hiện nay là kích thước rất linh hoạt, do các công ty thang máy chỉ nhập khẩu máy móc còn các thành phần khác như cabin, cửa cabin, khung cơ khí… được sản xuất hoàn toàn trong nước, nhờ đó đơn vị thiết kế và chủ nhà thuận lợi hơn trong việc cân nhắc vị trí và kích thước thang máy. Với những nhà có diện tích lớn hơn có thể lựa chọn loại thang máy nhập khẩu nguyên chiếc, loại này thì kích thước hố thang máy và cabin không thay đổi được.
Tiêu chuẩn nào khi chọn thang máy cho nhà phố
KTS Châu chia sẻ, theo tiêu chuẩn, quy định hiện nay (TCVN13967-2024) nhà ở riêng lẻ cũng sẽ có yêu cầu chung về thiết kế, lắp đặt thang máy. Trong đó, tải trọng định mức không nhỏ hơn 200 kg/m2 của sàn cabin và chịu được tối thiểu là 115 kg; vận tốc định mức của cabin thang máy không vượt quá 0,3 m/giây. Không được bố trí bể nước trực tiếp trên giếng thang máy và không cho các đường ống cấp nước, cấp nhiệt, cấp khí đốt đi qua giếng thang máy.
Thang máy phải có thiết bị bảo vệ chống kẹt cửa, bộ cứu hộ tự động và hệ thống điện thoại nội bộ từ cabin ra ngoài. Thang máy phải bảo đảm chỉ được vận hành khi tất cả các cửa đều đóng và cần cài đặt chế độ tự chuyển động về tầng trệt hoặc tầng phía trên, phía dưới một tầng và phải tự mở cửa cho người bên trong thoát ra ngoài khi mất điện hoặc sự cố kỹ thuật. Thang máy phải đảm bảo an toàn theo các quy định về thang máy và hướng dẫn của nhà sản xuất.
Từ các quy định trên, KTS Châu liệt kê nhiều tiêu chí khi chọn lắp đặt thang máy trong nhà. Đầu tiên, tùy vào số thành viên trong từng gia đình và tải trọng cần thiết để lựa chọn kích thước cabin và số ký. Thông thường với nhà ở gia đình nên chọn loại thang có tải trọng từ 300, 450, 600 kg, sức chứa tối đa 5 - 9 người lớn.
Kế đến là chọn kích thước hố thang, cabin, cửa thang (lưu ý kích thước cửa nếu nhà có di chuyển những đồ vật riêng biệt, xe lăn,…); kết cấu cho ô chứa thang máy; các tính năng an toàn cần có như hệ thống phanh khẩn cấp, cảm biến an toàn, hệ thống cứu hộ khẩn cấp, bộ lưu điện. Các tiện ích như đèn chiếu sáng, trang trí trần/sàn/vách, điện thoại liên lạc với bên ngoài, thẻ từ, điều khiển từ xa, camera an ninh, điều hòa không khí...
Cuối cùng là hiệu suất hoạt động, bao gồm công suất động cơ chính của thang, tốc độ di chuyển của thang, thời gian mở/đóng cửa, độ ồn, độ rung khi vận hành và khả năng tiết kiệm năng lượng; chọn thương hiệu uy tín, xem xét chi phí thi công phần thô, chi phí lắp đặt và bảo hành, bảo trì khi vận hành; lựa chọn hình dáng, vật liệu hoàn thiện thang máy phù hợp với không gian nội thất.
Dành cho bạn
"Thông thường nhà phố có 3 tầng trở lên thì phù hợp để lắp đặt thang máy vì có lợi cho kinh phí thi công lắp đặt. Tuy nhiên, đối với những nhà có nhu cầu vận chuyển thường xuyên hàng hóa hay cần cho người lớn tuổi di chuyển thì 2 tầng đã có thể lắp đặt", KTS Châu phân tích.
Nhà diện tích nhỏ có lắp đặt được không?
Còn những nhà có diện tích nhỏ, kích thước 3x12 m nhiều như hiện nay có thể lắp đặt thang máy không?, Ths.KTS Trần Anh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH TV-TK-XD BSA (Design & Build Firm) khẳng định hoàn toàn lắp đặt được. Cụ thể hơn với nhà có diện tích nhỏ (3x12 m) vì với các công ty thang máy liên doanh hiện nay, họ dễ dàng thi công thang máy với kích thước riêng biệt và tiết kiệm diện tích hố thang tối đa như phương án thiết kế dạng thang khung sắt, ốp kính. Tuy nhiên, lưu ý với nhà có người lớn tuổi thì tính toán kích thước thang máy đảm bảo chiều rộng cửa thang máy để người ngồi xe lăn có thể dễ dàng qua lại.
Tuy nhiên, theo KTS Trần Anh Cường, bên cạnh sự tiện lợi thì lắp thang máy trong nhà phố có những nhược điểm, hạn chế vì đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng tăng cao, ngoài chi phí mua và lắp đặt. Chủ nhà cũng cần thêm một khoản ngân sách để chi trả cho việc tiêu thụ điện và bảo trì thang máy định kỳ. Với những nhà có diện tích nhỏ thì không gian thang máy sẽ chiếm một diện tích đáng kể. Bên cạnh đó, nếu không được lắp đặt và bảo trì đúng cách, thang máy có thể gây ra rủi ro an toàn cho người sử dụng.
Hiện nay, giá thành mua thang máy trung bình từ 300 triệu trở lên cho nhà phố có 5 điểm dừng, chưa bao gồm chi phí xây dựng: móng, hố pit, cột, tường bao, phòng kỹ thuật cho thang máy. Chưa kể, chi phí kéo/lắp đặt nguồn điện 3 pha, vật liệu hoàn thiện trong/ngoài thang máy. Tổng lại thì giá thành hoàn thiện một thang máy trung bình từ 400 triệu trở lên.
"Chi phí này có thể dao động tùy theo nhà sản xuất (Đức, Nhật…), nhà cung cấp/lắp đặt, chủng loại (có/không có buồng máy, có/không có hố pit), kết cấu thang (khung bê tông/thép), cấu tạo thang (buồng thang thép hoặc kính, cửa mở 1 hoặc 2 bên, cửa mở theo chiều rộng hoặc chiều dài thang), trang trí thang (ốp inox, đá, kính, alu, laminate, lát đá, gạch…). Nếu dùng thang cột sắt, ốp kính giá tầm 450 - 500 triệu", KTS Cường chia sẻ.
KTS Cường nói thêm, chủ nhà cũng cần cân nhắc chi phí bảo trì đối với từng đơn vị cung cấp thang máy để đảm bảo có sự chuẩn bị trước các gói chi tiêu hàng tháng. Nếu đã có chuẩn bị kinh phí cho việc thi công lắp đặt thang máy rồi, thì hàng tháng chủ nhà chỉ cần trung bình từ 500.000 đến 1 triệu đồng cho việc bảo trì đối với dòng thang máy liên doanh và chi phí điện cũng tăng thêm.
Ngoài ra chu kỳ 3 năm sau sẽ tốn thêm chi phí kiểm định khoảng 3 - 5 triệu đồng, thang cũ chu kỳ giảm còn 2 năm, thang trên 15 năm thì chu kỳ 1 năm. Với những chi phí cơ bản như trên thì chủ nhà nên xem xét tài chính và nhu cầu của gia đình trước khi quyết định lắp đặt thang máy hay không.