Quỳnh Anh và Jörg Strehler quen nhau khi cùng làm việc ở Campuchia.
Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, Hoàng Quỳnh Anh (SN 1989) vào TP.HCM làm việc sau khi tốt nghiệp phổ thông. Sau 11 năm ở TP.HCM, cô lại sang Campuchia làm việc 5 năm. Khoảng thời gian này, cô gái xứ Nghệ quen biết chàng trai người Thuỵ Sĩ mà bây giờ là chồng cô.
Lúc ấy, Jörg Strehler đang đi dạy ở một trường quốc tế, còn Quỳnh Anh quản lý một công ty chuyên bán lẻ đồ gia dụng trên các nền tảng thương mại điện tử.
“Quen 6 tháng thì anh cầu hôn, nhưng lúc đó mình rất đắn đo vì chưa muốn cưới. Mức thu nhập của mình ở thời điểm ấy khá cao nên nếu từ bỏ sự nghiệp để theo chồng thì phải suy nghĩ rất nhiều”.
Jörg Strehler chờ đợi cô 2 năm và nói rằng cô ở đâu thì anh sẽ ở đó. “Sau 3 năm, mình thấy thương chồng nhiều vì anh nhớ nhà. Mẹ chồng mình cũng lớn tuổi nên rất mong con về. Vì thế, mình đã đồng ý lấy anh và đến Thuỵ Sĩ định cư lâu dài”.
Thời gian đầu, Quỳnh Anh khá chật vật trong việc thích nghi với thời tiết mùa đông. Tuyết lạnh và dày, khiến cô bị “sốc” nhiệt. Cộng với việc cô bị Covid-19 nhiều lần khiến sức khoẻ đi xuống. “Mình thật sự thấy trầm cảm và rất muốn về nơi có khí hậu ấm áp hơn”.
Nhưng sau đó, nhờ sự quan tâm, yêu thương của gia đình chồng, cô cảm thấy khá hơn rất nhiều. “Mẹ chồng đưa mình đi chọn áo ấm phù hợp, chị chồng cũng mua cho mình rất nhiều tất ấm, giày dép, quần áo... Sự ân cần ấy khiến mình thích nghi nhanh và cảm thấy thật may mắn vì được sống bên cạnh những người quan tâm và yêu thương mình”.
Cặp đôi kết hôn và về Thuỵ Sĩ sống cùng nhau từ cuối năm 2021.
Ngoài thời tiết, cô không gặp nhiều khó khăn bởi vì mẹ chồng đã chuẩn bị mọi thứ trước khi 2 vợ chồng từ Campuchia về. Bà còn tập nấu cơm và các món Á để chăm sóc con dâu khiến Quỳnh Anh rất cảm động.
Cô cho biết, hiện tại vợ chồng cô sống cách nhà mẹ khoảng 10 phút đi bộ và mối quan hệ của 2 người đang rất tốt đẹp.
“Mẹ chồng mình rất hiện đại, tâm lí và sống khá đơn giản. Bà không bao giờ to tiếng hay nghĩ xấu về bất kì ai. Khi mình khóc, mẹ thường ôm mình hoặc nấu cho mình ăn. Bà cũng tìm cách nói chuyện an ủi con dâu”.
Vì bà sống rất chan hoà nên luôn có nhiều bạn, và bà cũng khá bận rộn với những sở thích riêng như chơi đàn, đọc sách, đi bơi, nghe nhạc hay đi dạo với bạn bè.
Điều khiến Quỳnh Anh bất ngờ về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ở Thụy Sĩ là con dâu sẽ không có nghĩa vụ gì với mẹ chồng. Mối quan hệ của 2 người chỉ dừng lại ở mức độ tôn trọng và yêu thương nhau nếu có.
“Mẹ chồng nàng dâu thường không sống chung với nhau nên rất ít khi xảy ra mâu thuẫn hay va chạm. Ngày lễ Tết con dâu được mời đến ăn tiệc thì sẽ không phải làm bất cứ việc gì, chỉ mang theo ít hoa hoặc quà. Con dâu cũng không cần phải vào bếp mà chỉ ở phòng khách đúng như một vị khách”.
Dành cho bạn
Quỳnh Anh nói, cô cảm thấy may mắn khi có gia đình chồng yêu thương và sống chân thành.
Quỳnh Anh chia sẻ, tình yêu và cuộc sống của vợ chồng cô cứ thế diễn ra một cách bình yên ngay từ những ngày đầu. Cô và Jörg khá đồng điệu về sở thích cũng như suy nghĩ. “Anh hiền lành và nhường nhịn vợ, chưa từng giận hay to tiếng với vợ”.
Tuy nhiên, do sinh ra và lớn lên ở 2 hoàn cảnh khác nhau nên đôi khi vợ chồng cô cũng có những cách nghĩ khác biệt. “Gia đình mình nghèo nên mình bắt đầu làm việc từ bé. Mình luôn muốn làm việc và phát triển bản thân. Chồng mình sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế, không lo nghĩ nhiều từ lúc nhỏ nên anh muốn vợ chồng sống một cuộc sống giản dị, dành nhiều thời gian bên nhau nhất có thể”.
Công việc chính của cô hiện tại là điều hành một công ty bán lẻ. Thời gian đầu Jörg buồn vì vợ làm việc và lo lắng quá nhiều. Cách đây 2 tháng, cô muốn làm video về cuộc sống ở Thuỵ Sĩ để đăng lên YouTube và TikTok thì anh lại càng phản đối vì không muốn cô sử dụng điện thoại nhiều. Nhưng khi biết đó là việc mà vợ muốn làm để có cơ hội giao lưu với nhiều người hơn cho đỡ nhớ nhà anh đã đồng ý. Thậm chí, anh còn tham gia vào các video và giúp cô tìm kiếm thông tin khi cần.
Hiện tại, Quỳnh Anh và chồng đang sống ở Zürich - nơi có khí hậu 4 mùa thay đổi rõ rệt. “Khu vực mình sinh sống có rất nhiều không gian xanh sạch, có các trang trại chăn nuôi gia súc. Xung quanh đều là những ngọn đồi và cánh rừng với nhiều sông suối. Gia đình chồng mình sống ở đây lâu đời nên quen biết rất nhiều người trong thị trấn. Chồng và mẹ chồng mình có nhiều mối quan hệ tốt đẹp nên mình cũng cảm thấy rất quý mến con người ở đây. Họ sống chan hoà, chân thành và tôn trọng người xung quanh”.
Hai vợ chồng Quỳnh Anh thường đi leo núi, cùng nhau ngắm nhìn những cảnh quan đẹp của Thuỵ Sĩ.
So với ở Việt Nam, cuộc sống ở đây khác biệt rất nhiều. Quỳnh Anh nhận xét, nếu như Việt Nam ồn ào, náo nhiệt và trẻ trung hơn thì cuộc sống ở Thụy Sĩ trầm lặng hơn.
Tuy vậy, cả 2 đất nước đều có một điểm chung, đó là đều đặt gia đình lên vị trí quan trọng nhất.
“Chỉ có điều là người Thụy Sĩ tự do hơn trong cuộc sống. Họ không có quá nhiều ràng buộc về trách nhiệm chăm sóc ai đó vì đã có các chính sách rất chặt chẽ của chính phủ về hưu trí, bảo hiểm và y tế cho người già. Đặc biệt là cha mẹ cũng rất tôn trọng cuộc sống riêng tư của con cái. Còn người Việt Nam, với truyền thống gia đình bền chặt, lại có sự gắn bó và kết nối nhiều hơn giữa các thế hệ”.
Nhiều người cho rằng cuộc sống ở châu Âu thong thả và ít áp lực. Nhưng Quỳnh Anh nói, châu Âu có khá nhiều nền văn hoá khác nhau nên không phải ở đâu cũng bình yên và ít áp lực. “Ở đâu cũng tuỳ hoàn cảnh của mỗi người và mỗi gia đình. Mình chưa đi châu Âu nhiều nhưng qua bạn bè thì mình cũng thấy khủng hoảng kinh tế mang đến rất nhiều khó khăn cho người trẻ và người nghèo, nhất là đối với những người nhập cư”.
Cô nghĩ rằng, dù sống ở châu Âu hay Việt Nam thì nơi nào khiến cô cảm thấy thoải mái, được yêu thương, được là chính mình thì nơi đó là nơi tốt nhất.