Thương mãi món ăn thời bao cấp. Ảnh: VTV.

Hồi ấy, tôi còn nhớ, chả bao giờ nhà có nồi thịt kho tàu hay thịt kho lẫn trứng như bây giờ. Chỉ có thịt kho lẫn củ cải, hay su hào. Sang hơn là thịt kho đậu phụ, thứ đậu phụ mua phiếu vừa bở, vừa rắn, vừa chua.

Cá cũng kho củ cải, su hào, kho dưa chua, sang hơn là kho măng tươi, kho trám. Cá đồng tiền hay cá nục mua phiếu ươn nát lòi cả ruột lẫn xương thì được ưu tiên không kho độn. Nhưng ăn vẫn chối chết. Đám trẻ con nhà đông hay hỗn ăn. Nếu bà và mẹ không chia thịt chia cá thì chúng tôi chả bao giờ gắp tới su hào, củ cải.

Khi đó, mẹ tôi thường cười cười:

- Ăn cái miếng su hào, củ cải kho, nó ngọt như đòng đòng chứ lị. Nó ngấm hết chất bổ thịt cá vào. Thịt cá chẳng qua là cái bã thôi.

- Nhưng mà chúng con chả thích. Mà sao mẹ cứ gắp bã cho bà thế?

- Cha bố các chị chứ. Cứ “con nhà lính, tính nhà quan”. - Mẹ tôi vừa cười vừa mắng.

Thi thoảng cuối tuần cải thiện, dì Hai đánh độ ba bốn quả trứng, kèm thêm vài muôi bột mì, thêm nước mắm, hạt tiêu, hành hoa và tí bột nghệ, cộng với muôi nước lã, đánh lên cho đều. Bôi tí mỡ vào chảo, phi tí hành khô, dội bát bột trứng hỗn hợp ấy vào, rán lên. Thơm cứ gọi là phưng phức. Bọn trẻ trôi cơm lắm.

Hôm nào mua thịt phiếu, mua loại bạc nhạc để được một thành hai, mà băm nhỏ, trộn thêm vào thứ dung dịch tổng hợp trứng - mắm - bột mì đem rán lên thì hôm ấy nhà coi như đại tiệc. Mẹ tôi lại thở dài, vừa đong thêm bơ gạo cho nồi cơm đầy hơn, vừa ngó nghiêng xem mặt gạo còn cách đáy thùng bao xa.

Liệu nhà có trụ nổi đến kỳ đong gạo tới hay không?

Mà gạo thì nhiều khi cũng là gạo “bẩy nổi ba chìm”. Đừng tưởng “bẩy nổi ba chìm” như trong thơ Hồ Xuân Hương tả bánh trôi, bánh chay nhé, mà là gạo hẩm, gạo cũ, gạo mọt. Gạo ấy cứ thả vào rá, đem đãi bờ ao nơi sơ tán, chúng nổi phềnh phềnh, trắng xóa, đan xen cùng với đám mọt đen không khác gì đám chấy, rận. Đám cá con, cá lớn lao vào đớp rối rít. Hạt nổi rỗng tuếch ruột rồi thì phải bỏ. Hạt chìm thì gạn lấy đem nấu cơm.

Dành cho bạn

Mỗi khi các bà mẹ ở lại thành phố mà thu xếp được thời gian giữa hai ca máy, hay giờ trực chiến, thường chịu khó giần sàng, phơi phóng lại đám gạo cho kỹ, mới đem gửi cho các con nhỏ nơi sơ tán. Nhưng cái mùi gạo mốc thì khó mà loại bỏ. Các bà mẹ thường dạy các con cho nắm muối vào gạo, xóc kỹ với ít nước, rồi hãy đem vo đãi, nấu cơm.

Có một món thức ăn kỳ dị nhất thời bao cấp mà tôi vẫn còn nhớ mãi. Ấy là món đầu cá khô nấu bí đỏ mà bà ngoại sáng kiến nấu cho chúng tôi hồi đi sơ tán ở thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì.

Hồi đó, máy bay Mỹ đánh dữ quá, bố tôi không về nổi để tiếp tế mắm tôm chưng hay đậu phụ kho cho kịp. Chao ôi, bí đỏ nấu đầu cá khô, thêm tí mỡ cừu viện trợ hôi hám, nêm nước mắm loại 3 thum thủm, nó gây sặc, tanh khẳn, ngọt lợ. Tôi bỏ mâm, chạy ra vườn nôn thốc nôn tháo. Bụng đói cắp cặp đi học, thi thoảng nghe tiếng máy bay ầm ào vụt qua, lại nhảy đại xuống giao thông hào, bùn bắn tung tóe. Trông đám bùn chả khác gì món bí ngô nấu đầu cá. Ọe thêm lần nữa. Kinh hãi.

Thời sinh viên, có hôm được lĩnh tiền phụ cấp, gọi là học bổng 22.00đ (hai mươi hai đồng), phấn khởi tụ nhau làm bữa cơm độn sắn mua được ở chợ Xuân Hòa với rổ rau xà lách to tướng chấm cà chua chưng muối. Thế là nhất. Nhưng lâu lâu về sau này, người người gặp nhau vẫn nhớ, kể đi kể lại những món ăn đồ uống thời bao cấp.

Và lại coi những món thức ăn độn ấy là đặc sản. Chả thế ở Hà Nội, từ một nhà hàng, giờ có đến dăm bảy nhà hàng mở ra chuyên kinh doanh món ăn thời bao cấp. Đông khách dữ dội. Nhưng tôi đố các vị tìm nổi nước mắm loại 3 thối um với cơm gạo “bẩy nổi ba chìm”, bánh nắp hầm nhân vừng đen thuở ấy.

Bây giờ nhiều hiệu đặc sản cũng có các món cơm độn… Nhưng khá sang trọng, cơm sen, cơm đỗ… Giá một đĩa cơm trăm nghìn là chuyện thường. Ăn dễ mà thành tiên cũng nên.

Hôm nọ, tôi được cô bạn đồng nghiệp Như Lan cho một túi mì sợi, nói là mì làm kiểu thời bao cấp. Tôi sung sướng thổi nồi cơm độn, hớn hở chụp ảnh đưa ngay lên Facebook. Lớp trẻ nhao nhao hỏi món gì lạ thế? Món gì ngon thế? Còn cánh bạn già, có đứa khá thân, phang luôn một câu:

- Phịa. Mì đã trắng lại không có mọt. Gạo hạt đã trong lại đều tăm tắp. Diễn vừa vừa chứ!