Mong bỏ quy định thuê tài xế trung chuyển

Chiều 4.1, cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng, Lạng Sơn) lất phất mưa. Khi chúng tôi đến, anh Hồ Quang Trung (35 tuổi, quê Nghệ An) – tài xế chở nông sản xuất khẩu đang ngồi co ro trong cabin container đậu ở bến xe Tân Thanh.

Anh Trung cho biết, xe chở 26 tấn thanh long từ Long An ra đến cửa khẩu 5 ngày trước và vừa nhận được thông báo sẽ được thông quan trong chiều nay.  

“5 ngày là nhanh. Thời điểm này năm ngoái, phải chờ 20 – 30 ngày hàng mới thông quan được, nhiều xe nông sản như mít, thanh long không đợi được phải quay đầu về bán giải cứu hoặc đổ đi, thiệt hại lớn lắm”, anh Trung nhớ lại trận ùn tắc lịch sử tại các cửa khẩu Lạng Sơn hồi cuối năm 2021, đầu năm 2022.

 

Bảng chi phí thông quan một xe hàng được đơn vị làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hoá gửi cho tài xế Trung. Ảnh: Trần Tuấn.

Trước thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8.1.2023, tài xế Trung cho biết, đây là điều mà các chủ hàng, đơn vị vận tải và cánh tài xế chở hàng nông sản xuất khẩu chờ đợi từ rất lâu. Bởi nếu dỡ bỏ kiểm dịch ở khu vực cửa khẩu thì chi phí thông quan một xe hàng sẽ được giảm bớt đáng kể.

“Hiện tại, để đảm bảo chống dịch, các tài xế vẫn phải test COVID-19 trước khi vào khu vực cửa khẩu, đồng thời phải thuê lái xe trung chuyển chở hàng qua Trung Quốc. Chi phí test COVID trước đây là 300 nghìn đồng/lượt, sau đó giảm dần về mức vài chục nghìn đồng/lượt, hiện là 13 nghìn đồng/lượt, 72 giờ phải test lại 1 lần. Còn chi phí thuê tài xế trung chuyển dao động từ 7 – 8 triệu đồng”, tài xế Trung chia sẻ.

Cùng tâm trạng mong chờ Trung Quốc mở cửa biên giới, tài xế Cao Văn Lượm (54 tuổi, Tiền Giang) bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng 2 nước sẽ sớm thống nhất một phương án chống dịch và giao nhận hàng hóa mới ở khu vực cửa khẩu.

 

 Tài xế Lượm bên chiếc lốp xe mòn. Ông cho biết chưa thể thay vì nhiều chuyến chạy, thù lao chỉ đủ tiền xăng dầu, không có dư. Ảnh: Trần Tuấn.

“Chúng tôi rất mong các tài xế sẽ được trực tiếp lái xe qua phía Trung Quốc giao hàng thay vì phải thuê tài xế trung chuyển như hiện tại. Nếu được lái xe sang giao hàng trực tiếp, đơn vị vận chuyển cũng bớt được tiền bến bãi như hiện tại. Chi phí để thông quan một xe hàng sẽ giảm được cả chục triệu đồng”, tài xế Lượm nói.

Tài xế Lượm chia sẻ thêm, vài năm dịch bệnh vừa qua, ông nhiều lần chứng kiến các chủ hàng và đơn vị vận tải phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng do chi phí vận chuyển tăng vọt vì các quy định chống dịch tại cửa khẩu. Có những đơn vị vận tải phải bán xe để trả lãi ngân hàng. Cánh tài xế thì có những chuyến đi thù lao không đủ chi phí xăng dầu. Trong bối cảnh như vậy, ai cũng mong mỏi sớm có thông báo mới về các quy định về phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu.

Bảng chi phí thông quan một xe hàng được công ty làm dịch vụ xuất nhập khẩu gửi cho một tài xế. Ảnh: Trần Tuấn.

Bảng chi phí thông quan một xe hàng được công ty làm dịch vụ xuất nhập khẩu gửi cho một tài xế. Ảnh: Trần Tuấn.

Dành cho bạn

Sẽ có quy định chống dịch và giao nhận hàng hoá mới ở cửa khẩu?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong suốt 3 năm từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, tỉnh Lạng Sơn luôn chủ động theo sát các quy định về phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc để có phương án thích ứng. 

Trước chủ trương mới của Trung Quốc về việc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8.1.2023, bà Đoàn Thu Hà cho biết, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng, doanh nghiệp trao đổi kịp thời với cơ quan chức năng nước bạn để thay đổi quy định chống dịch ở khu vực cửa khẩu và phương thức giao nhận hàng hóa mới.

“Hiện tại, chúng tôi đang chờ Thư phúc đáp của Thị Bằng Tường và huyện Ninh Minh (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc). Khi có sự thống nhất này, chúng tôi sẽ có thông tin để tuyên truyền cho các chủ hàng, lái xe xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nắm được để thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.

 

 Các biện pháp chống dịch tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn được thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: Trần Tuấn.

Cùng trao đổi với Báo Lao Động, Trung tá Ngô Hoàng Giang, trạm kiểm soát biên phòng Tân Thanh cho biết, hiện tại, các quy định phòng chống dịch tại cửa khẩu Tân Thanh vẫn được thực hiện nghiêm và chưa có sự thay đổi.

"Khi nào có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, thì các lực lượng ở cửa khẩu sẽ điều chỉnh việc thực hiện quy định chống dịch", Trung tá Ngô Hoàng Giang cho biết.

Với lợi thế có 12 cặp cửa khẩu trên địa bàn, Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại Việt  - Trung. 

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt trên 162 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch thương mại hai chiều qua Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn chiếm 10,12% trong tổng kim ngạch thương mại.

Tính đến 20h ngày 4.1, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ còn 208 xe hàng chờ xuất khẩu. Ảnh: Trần Tuấn.

Tính đến 20h ngày 4.1, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chỉ còn 208 xe hàng chờ xuất khẩu. Ảnh: Trần Tuấn.